Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu | CÔNG TY CỔ PHẦN GỐM CHU ĐẬU
0

Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu

Đăng bởi Nguyễn Thị Hằng vào lúc 04/01/2024

Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, được phát triển rực rỡ trong suốt thời kỳ Lý, Trần, Lê, Mạc. Gốm Chu Đậu bắt đầu được sản xuất từ cuối thế kỷ 14, rực rỡ nhất vào thế kỷ 15, 16. Nếu như yêu mến văn hóa làng nghề truyền thống, đặc biệt là nghề gốm thì khi đến với Hải Dương, bạn đừng quên ghé thăm làng gốm Chu Đậu để tự mình khám phá thế giới đa màu sắc của gốm Việt.

Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu ảnh 1

Hiện nay, làng nghề Chu Đậu thu hút trên 500 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân đạt khoảng 7,6 triệu đồng/người/tháng, doanh số ước đạt khoảng 400 tỷ đồng/năm. Nhiều năm qua, làng gốm Chu Đậu đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách khi đến với Hải Dương.

Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu ảnh 2

Tự hào là một thương hiệu gốm “100% Made in Vietnam”, những người nghệ nhân gốm Chu Đậu hoàn toàn làm chủ được nguồn nguyên liệu và công nghệ sản xuất. Ngày nay, bằng khoa học hiện đại, các nhà nghiên cứu, khảo cổ học đã dùng đồng vị Cacbon-14 phân tích bài men tro của gốm Chu Đậu (đã được xác lập “kỷ lục độc bản” Việt Nam) và nhận thấy đây là bài men vô cùng độc đáo: nhiệt độ nóng chảy cao giúp cho gốm già hơn, khi gõ vào thì kêu vang hơn. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất không sử dụng hóa chất nên các sản phẩm gốm Chu Đậu không có độc tố ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lớp men tro đã tạo nên các vết rạn: chân chim, rạn vừng, xoáy đồng tiền… tăng tính thẩm mỹ, độc đáo.

Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu ảnh 3

Phong cách chủ đạo của gốm Chu Đậu thường được trang trí theo 3 phần: Phần miệng bình được trang trí dấu triện hoặc họa tiết tượng trưng cho vương miện cao quý thể hiện uy quyền. Phần thân bình được trang trí các họa tiết đẹp như phong cảnh làng quê Việt hoặc hình hoa cúc đại đóa thể hiện sự quang minh chính đại. Phần chân bình là họa tiết cánh sen cách điệu thể hiện văn hóa tín ngưỡng phồn thịnh của người Việt.

Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu ảnh 4

Cuối thế kỷ 14, là thời kỳ phát triển cao nhất của đồ gốm Việt Nam, với nhiều loại men và hoa văn độc đáo. Tiếc thay, nền kỹ thuật và mỹ thuật này đã tàn lụi vào đầu thế kỷ 17. Không ai biết đến gốm Chu Ðậu cho đến khi ông Makato Anabuki nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trông thấy một bình cao cổ men trắng xanh, hoa văn cánh sen và hoa mẫu đơn, với câu “Thái Hoà bát niên. Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (nghĩa là: ở phủ Nam Sách, năm Thái Hòa thứ tám, bà họa sĩ họ Bùi vẽ chơi), ở viện bảo tàng Topkapi Saray Museum (Istanbul, Turkey).

Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu ảnh 5

Ðịa danh Nam Sách Châu cho ta biết nơi chế tạo (phủ Nam Sách tỉnh Hải Dương), và chữ Thái Hòa bát niên cho ta biết năm chế tạo (1450 năm Thái Hòa thứ tám, đời vua Lê Nhân Tông). Từ đây những nhà khảo cổ mới hướng về Nam Sách. Đến năm 1983 ở làng Chu Ðậu, dưới vườn nhà một nông dân, người ta đào được các di tích lò gốm và tìm thấy cả một nền đồ gốm rực rỡ, thịnh vượng kéo dài 3, 4 thế kỷ, mà trung tâm là huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương ngày nay. Ngoài ra, các nhà khảo cổ còn khai quật được những sản phẩm gốm Chu Đậu nằm sâu dưới vùng biển ngoài khơi Cù Lao Chàm hơn 400 năm mà vẫn nguyên vẹn các họa tiết dù bị tác động và bị bào mòn bởi nước muối mặn cùng các loại sinh vật biển.

Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu ảnh 6

Những phát hiện về đồ gốm Chu Đậu ở hầu khắp các di chỉ khảo cổ học trong nước, và nhiều địa điểm khảo cổ học ở các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia và Nhật Bản, xa hơn là Cairo (Ai Cập)… và hiện gốm cổ Chu Đậu được trưng bày tại 46 bảo tàng danh tiếng tại 32 quốc gia trên thế giới. Điển hình nhất là chiếc bình hoa lam quý giá được coi là một trong bốn bảo vật quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ đang được lưu giữ ở Bảo tàng Hoàng gia Topkapi của Thổ Nhĩ Kỳ. Đó chính là lời khẳng định mạnh mẽ về vị thế của gốm Chu Đậu với sứ mệnh là một tặng phẩm quốc gia được các lãnh đạo sử dụng tặng các đối tác trong nhiều sự kiện ngoại giao.

Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu ảnh 7

Từ thế kỷ XIII-XIV, người Chu Đậu đã biết dùng các loại nguyên liệu có sẵn để phục vụ cho việc sản xuất gốm sứ như dùng vỏ trấu, lá cây, thân cây làm men bảo vệ hoa văn, họa tiết sản phẩm. Qua quá trình lao động, sản xuất thực tiễn, người Chu Đậu xưa đã đúc kết ra cách thức dùng vỏ trấu (lúa nếp cái hoa vàng) - nguyên liệu tự nhiên sẵn có đốt lên làm men giúp cho sản phẩm bền, đẹp.

Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu ảnh 8

Ðồ gốm Chu Ðậu hình dáng thanh tao, nước men trong mà mỏng, hoa văn khắc họa hình ảnh đời sống thôn làng Việt Nam hoặc phong cảnh làng quê Việt Nam. Nét đặc trưng của gốm Chu Đậu được thể hiện ở kiểu dáng, màu men và các hoa văn họa tiết tinh xảo, phản ánh trung thực nền văn minh, bản sắc văn hóa thuần Việt. Không quá lời khi nói rằng gốm Chu Đậu chính là một trong những sản phẩm mang đậm tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam.

Đặc sắc gốm cổ Chu Đậu ảnh 9

Các sản phẩm gốm của làng Chu Đậu đều được làm thủ công, từ khâu nặn, đúc gốm cho đến khâu vẽ và trang trí hoa văn đều được những người thợ gốm tài hoa của làng nghề thực hiện, chính vì vậy, gốm khi ra lò luôn chất lượng và có những đặc điểm riêng phân biệt với gốm sứ ở những nơi khác.

Theo tienphong.vn

Hotline: 0969655095
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

CÔNG TY CỔ PHẦN GỐM CHU ĐẬU
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn