Trang chủ Liên hệ

Tìm hiểu đề tài Phi – Minh – Túc – Thực trong gốm Chu Đậu 

Huynh Nguyễn Hữu 12/03/2020

Vài nét về dòng gốm Chu Đậu

Gốm Chu Đậu là sản phẩm nổi tiếng của làng nghề gốm Chu Đậu, Nam Sách, Hải Dương – một trong nhưng cái nôi của nghề làm gốm tại Việt Nam. Trong tiếng Hán, Chu Đậu có nghĩa là bến thuyền đậu. Cái tên này đã phần nào thể hiện được sự giao thương buôn bán tấp nập của khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng lúc bấy giờ. 

Theo các nhà nghiên cứu, gốm Chu Đậu vốn thuộc dòng gốm ngự dụng cao cấp (dành cho vua chúa) phát triển rực rỡ nhất vào khoảng thế kỷ XV-XVI. Tuy nhiên, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử đã có những lúc gốm Chu Đậu tưởng chừng như thất truyền, biến mất. 

Bình thiên nga gốm Chu Đậu

Điểm đặc biệt của các sản phẩm gốm Chu Đậu nằm ở kiểu dáng, màu men và các họa tiết trang trí tinh tế mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, dòng gốm này được đánh giá là dòng gốm đẹp về dáng, sáng về men, hoa văn, họa tiết làm lay động trái tim con người. Kiểu dáng của gốm Chu Đậu rất đa dạng được sản xuất nhằm phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Từ các sinh hoạt hằng ngày cho đến các sản phẩm trang trí, thời cúng… 

Một trong số những nét riêng chỉ có ở Chu Đậu chính là chất men tro trấu đặc trưng giúp tạo độ sáng và màu sắc riêng của các sản phẩm gốm tại làng nghề nơi đây. Ngoài ra, với đôi bàn tay khéo léo, các nghệ nhân tại làng gốm đã tạo nên các sản phẩm không chỉ mang nét đẹp nghệ thuật tinh tế mà còn thể hiện được giá trị văn hóa lâu đời của người Việt. Những sinh hoạt đời sống hằng ngày, những phong tục tập quán được tái hiện lại thông qua những nét vẽ vừa khoáng đạt, bay bổng vừa mạnh mẽ, uy nghiêm. Chẳng thế mà lúc sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành tặng 9 chữ vàng cho gốm Chu Đậu: “Gốm Chu Đậu tinh hoa văn hóa Việt Nam”.

Đôi nét về đề tài Phi – Minh – Túc – Thực 

Có thể nói, Phi – Minh – Túc – Thực là một đề tài không hiếm thấy trên các sản phầm đồ gốm xưa. Để làm nên trọn bộ đề tài này cần có 4 bức tranh chính. Mỗi bức lại gửi gắm những ý nghĩa khác nhau. Thông thường, đề tài này có 2 cách thể hiện. Thứ nhất được vẽ trên cùng một sản phẩm tạo thành bức tranh tứ bình độc đáo. Thứ hai là 4 đề tài Phi – Minh – Túc – Thực được chia thành 4 sản phẩm khác nhau tạo thành một bộ sản phẩm cùng có chung đề tài. 

Tuy là đề tài không mấy xa lạ trong làng gốm cổ Việt Nam, tuy nhiên không phải ai cũng có được những hiểu biết chính xác về Phi – Minh – Túc – Thực.

Đề tài Phi - Minh - Túc - Thực

Phi (Bay): thể hiện sự tự do, phóng khoáng, phát đạt, thăng tiến cao…

Minh: tiếng chim hót đồng âm với ánh sáng, biểu tượng cho tiền đồ, tương lai tươi sáng, sán lạn…

Túc: Nghỉ ngơi, sung túc, no ấm, đủ đầy

Thực (Ăn): tượng trưng cho sự ấm no, viên mãn, giàu có

Xét về tổng thể, đề tài Phi – Minh – Túc – Thực là lời cầu chúc cho một cuộc sống đủ đầy, giàu sang và làm ăn phát đạt. Thông thường những mong ước ấy được chuyển hóa thành các nét vẽ, họa tiết chim thú trên bình gốm để tạo nên sự gần gũi, gắn bó hơn với cuộc sống của con người. 

Đề tài Phi – Minh – Túc- Thực được thể hiện như thế nào trên gốm Chu Đậu?

Đối với gốm Chu Đậu, Phi – Minh – Túc – Thực cũng không phải đề tài xa lạ. Đề tài Phi – Minh – Túc – Thực của Chu Đậu đa số được thể hiện qua hình ảnh chim (cầm). Vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng của dòng gốm Chu Đậu nhưng các sản phẩm với họa tiết theo đuổi hướng đề tài cổ này đã giúp bổ sung thêm sự độc đáo vào gốm Chu Đậu. 

Bình thiên nga hay còn gọi là bình Phi - Minh - Túc -Thực được nghệ nhân Gốm Chu Đậu phỏng theo bình gốm cổ Chu Đậu triều Trần – Lê Sơ (Thế kỷ XIV – XV). Hiện nay, chiếc bình gốm cổ được Cục di sản văn hóa Việt Nam chứng nhận là bảo vật quốc gia, hiện đang được lưu giữ trang trọng tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam. 

Các nét vẽ trên bình gốm vừa mềm mại, uyển chuyển vừa đặc tả được một cách tối đa cái thần thái của họa tiết chim thú. Chẳng hạn như hình ảnh chim thiên nga trên những chiếc bình thiên nga. Con thì đang dang cánh bay về (Phi), đầu vươn cao thể hiện mong muốn thăng tiến, phát triển cũng như sự tự do thoải sức vẫy vùng. Con lại đang ngẩng lên cất tiếng kêu (Minh) như gọi những điều tươi mới, sán lạn về với gia chủ. Trong khi đó, có con lại mang dáng vẻ tảo tần, mò mẫm kiếm ăn (Thực), con khác lại lim dim ngủ rúc đầu vào cánh (Túc) thể hiến sự bình yên, no đủ, sung túc. Bốn hoạt động tạo thành thành bức trang tứ bình đơn giản mà đặc sắc.

Đề tài phi - minh - túc - thực trên gốm Chu Đậu

Bức tranh này mang đậm nét dân dã của vùng đồng bằng Châu thổ sông Hồng mà chứa đựng hàm ý triết lý sống sâu sắc. Đó là một trong nhưng nét đặc trưng của dòng gốm Đạo Chu Đậu. Từ những nét vẽ cách điệu tạo nên những bức tranh thôn quê, thuần vIệt nhưng lại chính là lối chơi chữ đầy tinh tế của người xưa: Mượn hình nói ý. Ước mơ về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc, đủ đầy được các nghệ nhân truyền tải vào từng sản phẩm giúp mỗi sản phẩm không chỉ là một đồ vật đơn thuần mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. 

Chính những ý nghĩa sâu sắc được chứa đựng trong mỗi sản phẩm gốm Chu Đậu khiến nhiều người hiểu và yêu thích sản phẩm gốm này hơn và lựa chọn làm quà tặng cho bạn bè, người thân, cấp trên. Đồng thời, những công ty, doanh nghiệp khi có nhu cầu chuẩn bị quà tặng cho khách hàng, đối tác cũng có thể sử dụng sản phẩm như một món quà tri ân ý nghĩa. Mỗi khi nhìn thấy chiếc bình thiên nga, người nhận sẽ luôn nhớ đến những người tặng. Vô hình chung, hình ảnh thương hiệu, cá nhân, doanh nghiệp đã được khắc ghi trong trí nhớ người tiêu dùng. 

Đề tài Phi – Minh – Túc – Thực thể hiện rõ nét đặc trưng mà không có dòng gốm nào có thể so sánh được của gốm Chu Đậu. Từ đó giúp mỗi sản phẩm gốm Chu Đậu nói chung và bình Thiên nga nói riêng như trở nặng thêm bao triết lý, tâm tình, ước mơ mà ngàn xưa gửi gắm. 

Bài viết liên quan