Trang chủ Liên hệ

Người nghệ nhân nặng lòng với gốm Chu Đậu

Nguyễn Thị Hằng 30/05/2020

Trọn đời với gốm

Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của nghệ nhân Hạ Bá Định, tại số nhà 21, đường Cù Chính Lan, phường An Phú , thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương vào một ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Vì giáp Tết, nên nghệ nhân khá bận rộn với các tác phẩm được đặt hàng từ trước, tuy vậy ông vẫn rất niềm nở chia sẻ với chúng tôi về nghề gốm, vì đó là đam mê suốt đời của ông. Được nói về gốm, từ đáy lòng, ông rất vui.

Nghệ nhân Hạ Bá Định quê gốc ở Bắc Ninh, sinh ra trong một gia đình có cha mẹ làm nghề gốm thủ công, thế nên gốm là “đồ chơi” của ông từ nhỏ, vì được thả sức nặn, nung, vẽ gốm. Và đến năm 12 tuổi, một nghệ nhân làm gốm ở Hải Dương thời đó nhận ra năng khiếu của cậu bé Định, nên đã đưa ông đến Nhà máy sứ Hải Dương để vừa học vừa làm. Cũng từ đây, chàng trai trẻ Hạ Bá Định bén duyên với nghề và gắn bó ở đây gần 40 năm.

Với tài năng được phát hiện sớm cùng với sự dìu dắt của một số nghệ nhân, như Họa sĩ Nguyễn Văn Y, họa sĩ Trần Hữu Chất…, Hạ Bá Định nhanh chóng trưởng thành và trở thành “tay vẽ” số 1 của Nhà máy sứ Hải Dương. Ông không chỉ làm việc trong nhà máy, mà còn dạy nghề cho hầu hết thợ làm tại nhà máy và một số địa phương lân cận cùng làm nghề gốm như: Cổ Kênh (Văn Đức, Chí Linh, Hải Dương), Đông Triều (Quảng Ninh), Bình Giang (Hải Dương), Bát Tràng (Hà Nội)…

Tình yêu với gốm không chỉ là tình yêu công việc. Ngay tại nhà nghệ nhân Hạ Bá Định, trên tầng 3 là một xưởng gốm nhỏ, tại đây có đất, có lò, có nhiều dụng cụ vẽ cho những bạn trẻ học nghề và thực hành. Với người nghệ nhân già, “tài sản” quý giá nhất của ông chính là các học sinh qua “lò gốm” rồi trưởng thành, các bạn trẻ đam mê quyết tâm giữ nghề và những tác phẩm giá trị thể hiện tính sáng tạo không ngừng.

Nghệ nhân Hạ Bá Định hằng ngày vẫn miệt mài sáng tạo tác phẩm gốm.

Trong gia đình nghệ nhân Hạ Bá Định, 2 con, 1 trai, 1 gái của ông đều là những họa sĩ vẽ tranh trên gốm, gắn bó cả cuộc đời với nghề, các cháu của ông cũng hăng hái học nghề như một món quà mà người ông tặng cho lớp trẻ.

Khát vọng vực dậy nghề gốm Chu Đậu

Theo nghệ nhân Hạ Bá Định kể lại, gốm Chu Đậu phát triển rực rỡ vào khoảng thế kỷ 13 đến thế kỷ 16 và đến nay chưa rõ nguyên nhân vì sao một thời gốm Chu Đậu bị “quên lãng”. Tình cờ năm 2001, ông Makoto Anabuki, một cán bộ ngoại giao Nhật Bản tại Tokyo nhờ tìm hiểu về xuất xứ chiếc bình gốm hoa lam tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) do ông nghi ngờ đây là bình gốm Việt Nam chứ không phải là của nước khác. Cùng với đó là việc khảo sát và khai quật con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), chở nhiều đồ gốm cổ, qua đó khẳng định gốm Chu Đậu từng có một thời hưng thịnh.

Bản thân nghệ nhân Hạ Bá Định cũng rất bất ngờ về sự tồn tại của làng gốm Chu Đậu xưa, bởi quê gốc của ông ở Bắc Ninh; cách làm gốm trước đây đều do người có kinh nghiệm truyền lại, chứ chưa theo một trường phái rõ nét nào. Từ đó, nghệ nhân Định ấp ủ quyết tâm tìm tất cả tài liệu về gốm Chu Đậu, tham gia các cuộc khai quật và nghiên cứu về đặc trưng gốm Chu Đậu với mong muốn vực lại sự hưng thịnh một thời của gốm Chu Đậu.

“Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ họa” chính là những điều quan trọng nhất của gốm Chu Đậu. Trong đó, “họa” trong gốm Chu Đậu rất tự nhiên, mềm mại, các tác phẩm vẽ gốm đều do người vẽ tự sáng tác ra và ít qua vẽ nháp, có nhiều tác phẩm thể hiện phong cảnh tự nhiên đồng quê Việt Nam, cảnh hát quan họ, cảnh vui vẻ sản xuất của người nông dân… Sản phẩm gốm Chu Đậu khá dày và chắc, do chất đất vùng Chu Đậu - Mỹ Xá tốt, nhiều cao lanh. Đối với nghệ nhân Định, cảm xúc lớn nhất để ông sáng tạo tác phẩm không gì khác ngoài văn hóa dân gian Việt Nam, đồng quê, bến nước, sân đình…, những gì rất gắn bó với hầu hết người Việt Nam.

Theo nghệ nhân Định, hiện tại làng Chu Đậu hầu như không còn lò gốm thủ công của hộ gia đình nữa, chủ yếu đã quy hoạch thành một số công ty, xưởng sản xuất lớn. Tuy không còn các lò gốm cổ, nhưng tinh hoa gốm Chu Đậu vẫn còn nguyên trên đôi tay người nghệ nhân. Hằng ngày, nghệ nhân Định vẫn rong ruổi bằng chiếc xe máy cũ đi khắp các xưởng sản xuất trên địa bàn thành phố Hải Dương và huyện Nam Sách để vừa vẽ vừa dạy, vừa nói chuyện về tinh hoa gốm Chu Đậu.

Miệt mài truyền nghề

Tuổi đã cao nhưng nghệ nhân Hạ Bá Định vẫn miệt mài truyền bá nghệ thuật làm gốm, vẽ tranh trên gốm cho thế hệ con cháu. Lớp học ở ngay trên tầng 3 - xưởng gốm thu nhỏ của nhà ông có đợt cao điểm, ông dạy kín cả tuần cho 3 lớp, học sinh chủ yếu là con em trong khu phố và ông dạy hoàn toàn miễn phí.

Biết rằng, vực dậy và phát triển nghề gốm Chu Đậu không phải chuyện dễ, nhưng nghệ nhân Định chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc. Trong các học trò mà nghệ nhân Định từng dạy cũng có không ít người đã được phong nghệ nhân cấp tỉnh và rất tâm huyết với nghề, như anh Tài- người học trò đã theo ông gần 20 năm nay. Lối vẽ của anh Tài mang nhiều dấu ấn của người thầy, phong cách khoáng đạt, mỗi tác phẩm đều mang tính sáng tạo, thổi hồn quê Việt vào bức tranh, như cảnh đàn ngựa trên đồng cỏ, cá vờn dưới nước; cảnh lấy nước cho đồng chiêm…

Tuy vậy, đâu đó nét buồn vẫn hiện trên đôi mắt ông. Ông bảo: Có những đợt không có lớp, hoặc trẻ học được vài buổi rồi bỏ, tôi rất buồn, nhưng cũng có thể thông cảm được cho các cháu. Có thể lớn thêm vài tuổi nữa chúng mới hiểu và thích gốm, khi đó quay lại học cũng không muộn, chỉ sợ lúc đó tôi không còn trên đời này nữa để truyền nghề...

Cùng với mở các lớp dạy nghề, với người nghệ nhân thì tác phẩm chính là thứ quý giá nhất. Nghệ nhân Hạ Bá Định đã có không ít các tác phẩm quý tặng cho các bảo tàng, khu lưu niệm trên cả nước. Những tác phẩm đó không mang tính vật chất mà chính là sự lan tỏa của tinh hoa gốm Việt. Ngay tại cổng làng Chu Đậu, rất nhiều tác phẩm của nghệ nhân Định được trưng bày tại khu triển lãm, nơi thu hút rất nhiều du khách quốc tế, họ luôn trầm trồ về kỹ nghệ của người vẽ. Với những nỗ lực và đóng góp của mình cho nghề gốm, năm 2016, nghệ nhân Hạ Bá Định đã được Chủ tịch nước tặng Bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát triển gốm Chu Đậu.

 Theo Báo QĐND

Bài viết liên quan