Tại Bảo tàng Chuyên đề gốm sứ mậu dịch Hội An (TP cổ Hội An, Quảng Nam) có một bộ sưu tập lớn dòng gốm cổ Chu Đậu của Hải Dương rất hấp dẫn du khách.
Nhiều hiện vật quý xuất xứ từ gốm Chu Đậu và còn khá nguyên vẹn đang được trưng bày ở Hội An
Tại đô thị cổ Hội An - nơi được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, có một bảo tàng gốm sứ độc đáo. Đó là Bảo tàng Chuyên đề gốm sứ mậu dịch Hội An. Đây là nơi trưng bày nhiều hiện vật quý, trong đó có các dòng gốm cổ Chu Đậu của Hải Dương.
Bộ sưu tập lớn
Bảo tàng Chuyên đề gốm sứ mậu dịch Hội An được hình thành năm 1995, với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản. Bảo tàng này hiện nằm tại số nhà 80 Trần Phú (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam). Đây là địa chỉ rất hấp dẫn với du khách khi tham quan phố cổ Hội An, nhất là những người đến từ Hải Dương - nơi xuất xứ dòng gốm Chu Đậu nổi tiếng.
Bảo tàng hiện trưng bày khoảng 400 hiện vật, có niên đại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIX, được tìm thấy ở các điểm khảo cổ tại Hội An. Bảo tàng là ngôi nhà 2 tầng tiêu biểu với ban công bằng gỗ xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX. Ở đây, có thể thấy được tổng thể không gian điển hình của kiến trúc nhà cổ ở Hội An, được chia làm 3 phần: nhà trước, nhà sau và nhà cầu. Sân trời được bố trí giữa nhà trước và nhà sau, bếp và khu vệ sinh ở phía sau cùng.
Trong khuôn viên bảo tàng, gốm Chu Đậu của Hải Dương được dành các không gian trang trọng để giới thiệu cho du khách nguồn gốc, địa điểm khai quật các hiện vật. Trong các khu vực trưng bày, hầu hết gốm Chu Đậu được giới thiệu là: Hiện vật khai quật tại tàu đắm Cù Lao Chàm. Gốm Chu Đậu (Việt Nam). Thế kỷ XV-XVI.
Điều đặc biệt, hầu hết các hiện vật gốm Chu Đậu được trưng bày còn khá nguyên vẹn. Hoa văn, họa tiết còn sắc nét, cho thấy trình độ thủ công của các nghệ nhân Chu Đậu xưa rất điêu luyện. Hiện vật chủ yếu gồm bát, đĩa, hồ lô, bình vôi, liễn... với đa dạng màu sắc như vàng, da lươn, xanh tím, xanh lá cây...
Trục vớt tàu chở gốm Chu Đậu tại vùng biển Cù Lao Chàm (ảnh chụp lại từ Bảo tàng Chuyên đề gốm sứ mậu dịch Hội An)
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, đa số hiện vật được trưng bày tại bảo tàng, trong đó có gốm Chu Đậu được vớt lên từ một địa điểm dưới đáy biển cách Cù Lao Chàm 15 km về phía bắc, cách bán đảo Đà Nẵng 20 km về phía đông và cách đất liền khoảng 30 km. Di chỉ được xác định có độ sâu khoảng 80 m. Những đồ gốm này có niên đại thế kỷ XIV - XV và được các lò gốm ở miền Bắc sản xuất. Rất nhiều đồ gốm đã không bị phá hủy vì chúng nằm trong lớp bùn biển. Một số lớn đồ gốm được xác định là hàng mậu dịch và đang trên một chiếc tàu buôn Việt Nam giương buồm đi về phương Nam, gần đến vùng biển Cù Lao Chàm thì bị đắm. Tàu buôn được xác định sẽ đi đến các nước Đông Nam Á...
Với khoảng 400 hiện vật có niên đại từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIX được tìm thấy ở các điểm khảo cổ tại Hội An đã phản ánh sinh động về con đường gốm sứ mậu dịch trên biển vào các thế kỷ trước, khi Hội An còn là tụ điểm giao lưu thương mại trên biển của các thương thuyền Đông - Tây - Á - Âu.
Sức sống mãnh liệt của dòng gốm cổ
Trong hành trình phát triển của mình, gốm Chu Đậu được xác định có mặt ở nhiều quốc gia, cho thấy những người thợ thủ công đã đạt trình độ nhất định để có thể cho ra các sản phẩm có chất lượng, mỹ thuật, chuyển tới các thị trường ngoài nước.
Thông tin từ Bảo tàng Chuyên đề gốm sứ mậu dịch Hội An khẳng định, gốm thương mại Việt Nam đã được sản xuất từ các trung tâm lớn gồm Chu Đậu, Hải Hưng (Hải Dương ngày nay), Bát Tràng (Hà Nội) ở phía Bắc và Bình Định ở phía Nam. Trung tâm Hải Hưng đã đóng vai trò chính trong việc sản xuất gốm thương mại Việt Nam ở giai đoạn này với các lò nổi tiếng như Chu Đậu, Cậy... Sản phẩm của các lò gốm này là gốm hoa lam, gốm vẽ màu trên men.
Bảo tàng Chuyên đề gốm sứ mậu dịch Hội An là nơi trưng bày hàng trăm hiện vật, trong đó có gốm Chu Đậu của Hải Dương
Bước sang thế kỷ XVII, gốm thương mại Việt Nam đột nhiên vắng bóng trên thị trường thế giới. Cho đến nay mới chỉ tìm thấy gốm Việt Nam giai đoạn này ở Nhật Bản. Thị trường gốm Nhật Bản tiếp tục nhập các sản phẩm của Hải Hưng, với các loại bát, đĩa vẽ hoa cúc bằng màu lam lẫn gỉ sắt trên nền men trắng đục. Gốm thương mại Việt Nam, trong đó có Chu Đậu của Hải Dương đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các nước.
Sau hơn 3 thế kỷ thất truyền, đến nay, gốm Chu Đậu đã hồi sinh, trở thành mặt hàng xuất khẩu có giá trị, là quà tặng quốc gia. Các nghệ nhân ngày nay đã đưa ra thị trường hàng loạt sản phẩm mới như đồ gốm nghệ nhân, bình hút lộc vẽ vàng, gốm đắp nổi, bình phong thủy...
Ngoài các hiện vật được tìm thấy tại Cù Lao Chàm, gốm Chu Đậu còn được phát hiện ở những con tàu bị đắm tại vùng biển Pandanan (Philippines). Hiện nay, có khoảng 50 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu. Trong những cuộc bán đấu giá, chiếc bình gốm Chu Đậu hoa lam cao 54 cm tại Bảo tàng Topakisaray (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) đã được trả giá tới 1 triệu USD. Hàng trăm nghìn cổ vật gốm thu thập được qua các cuộc khai quật đã xác định được Chu Đậu là trung tâm chuyên sản xuất gốm cao cấp trong lịch sử.
Năm 1980, ông Makato Anabuki, nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam phát hiện một bình gốm hoa lam cao 54 cm, được trưng bày tại Bảo tàng Takapisaray (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ). Trên bình có ghi dòng chữ Hán: "Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi Thị Hý bút". Ông Makato Anabuki đã viết thư nhờ đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khi ấy chỉ đạo xác minh. Từ thông tin này, các cơ quan chức năng đã thúc đẩy việc điền dã, sưu tầm những dấu vết về làng gốm cổ. Nghề gốm ở Chu Đậu (Nam Sách) tưởng như bị thất truyền đã được khôi phục. |
CẨM GIANG
Theo: Báo Hải Dương