Trong lịch sử phát triển ngàn năm của gốm Việt kể từ sau Bắc thuộc, thời Lê sơ (1428 - 1527) là giai đoạn cực thịnh với những chuyến tàu buôn đưa các sản phẩm gốm Việt ra thế giới.
Nói đến gốm Việt cổ, thời Lý - Trần có gốm hoa nâu, gốm men ngọc làm đại diện, qua đến giai đoạn Lê sơ, gốm Việt có bước chuyển vượt bậc với sự ra đời gốm hoa lam Chu Đậu. Điều thú vị là vẻ đẹp gốm hoa lam, từng khiến các chuyên gia gốm thế giới lầm tưởng hoặc có ý nghi ngờ rằng dòng sản phẩm này phải xuất xứ đâu đó ở kinh đô gốm sứ Trung Hoa, không thể là Đại Việt. Cho đến khi phát lộ con tàu đắm Cù Lao Chàm (Quảng Nam) ở những năm 1990 cùng những khai quật các lò gốm cổ vùng Chu Đậu (Hải Dương) mới đủ khẳng định gốm hoa lam chính là một kỳ diệu trong lịch sử gốm Việt.
Trên bình diện chung, gốm hoa lam là sự thừa hưởng, tiếp nối các kỹ thuật làm gốm cổ truyền từ thời Lý, qua thời Trần, cộng với những yếu tố giao thương lúc đương thời, đã tạo đà cho nghề gốm - dòng gốm hoa lam có cơ hội thăng hoa. Dựa theo biểu đồ thời gian, lúc gốm hoa lam hình thành, cũng là khi nhà Minh lập quốc, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1368 - 1399) ban hành chính sách cấm biển, không cho dân tự tiện ra biển, trao đổi buôn bán với nước ngoài.
Ấm hình chim phượng ở bảo tàng New York (Mỹ) - PHONG AN
Đây là cơ hội để hàng hóa các nước vươn ra thế giới khi thiếu vắng sự cạnh tranh thương buôn Trung Hoa, trong đó cụ thể có mặt hàng gốm sứ. Gốm hoa lam Chu Đậu gặp đúng thời và phát triển vượt bậc với kỹ thuật, hình họa trang trí, sắc men, đề tài, cốt gốm, men thuốc… đều khác biệt hẳn với tất cả các phong cách chế tác gốm Việt trước và sau đó.
Tự hào tuyệt phẩm gốm Chu Đậu
Dựa trên những hiện vật còn lại ở Việt Nam và sưu tập tại các quốc gia như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Nhật Bản, Hà Lan, Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Canada, Pháp… có thể thấy vẻ đẹp gốm hoa lam thực sự là một niềm tự hào. Ở bảo tàng New York (Mỹ) có trưng bày chiếc ấm hình chim phượng. Gốm hoa lam có rất nhiều dáng ấm chim phượng, nhưng có thể nói, đây là một trong số những hiện vật đắt giá nhất về phượng ở mỹ thuật tạo hình khi tạo được thần thái cao sang, thanh thoát của một loài chim tượng trưng cho cõi bên trên.
Chiếc bình hoa lam đắt giá vẽ cặp đôi thủy quái Timingila và Makara ở Bảo tàng Văn minh châu Á (Singapore)
Người thợ gốm Chu Đậu chỉ với những nhấn nhá qua các đường tỉa tót khéo léo đã biểu đạt hết vẻ đẹp của phượng, tạo cho khuôn mặt phượng độ duyên dáng, yêu kiều. Kết hợp hài hòa cùng gương mặt khả ái ấy là đôi cánh xuôi dọc theo thân ấm, tôn lên vẻ đẹp của phượng, chiếc quai lá lan cách điệu rất duyên, kết thành hai nhịp đối mang lại một chỉnh thể hoàn hảo, vừa đẹp ở mỹ thuật, vừa tiện ích ở công năng sử dụng.
Một hiện vật quý hiếm khác đang được trưng bày tại Bảo tàng Văn minh châu Á (Singapore) là chiếc bình triệu đô của gốm hoa lam Chu Đậu. Đây là chiếc bình có thể nói độc bản, vẽ hình đôi cá lạ như đang đuổi vờn nhau quanh thân bình. Đôi cá này, chiếu theo huyền tích Hindu giáo, chính là cặp đôi thủy quái Timingila và Makara.
Rồng đuổi, với kỹ thuật tạo dáng và họa pháp với bố cục chặt chẽ trên một chum gốm hoa lam, thế kỷ 15
Timingila và Makara rất hiếm khi xuất hiện trên đồ án trang trí, điêu khắc, hội họa…; ngay hệ thống đền tháp Hindu giáo khu vực Đông Nam Á cũng chưa từng gặp hình tượng cặp đôi này. Vậy mà trên bình gốm Chu Đậu xưa, hình ảnh đôi thủy quái được thể hiện rõ nét: Makara với ánh mắt sắc lạnh của kẻ săn mồi, đang sử dụng vòi của mình tóm gọn con cá khác; trong khi Timingila được thể hiện với đầy vẻ dữ tướng, vây căng bơi lượn dưới đáy đại dương. Về góc độ đề tài thể hiện, chiếc bình đã hội tụ ở đó sự độc đáo, họa pháp được thể hiện cũng rất khoáng đạt, bay bổng, cả những mềm mại, tinh tế trong điều khiển màu men tam lam khi đậm, khi nhạt có chủ ý, đẩy lên tối đa cái thần thái tinh anh, dữ dội, hung bạo của cặp đôi thủy quái Timingila và Makara.
Gốm hoa lam Chu Đậu dù có một phong cách xuất sắc cả về kỹ thuật lẫn trang trí, nhưng chỉ nổi lên ở thị trường một thời gian rồi thất truyền. Có lẽ, ngoài yếu tố chiến tranh, nội chiến, hẳn dòng gốm tuyệt phẩm ấy còn được thực hiện theo các đơn đặt hàng từ nước ngoài. Mỗi lô gốm khi hoàn thiện, thương buôn sẽ đóng gói toàn bộ sản phẩm, lên tàu buôn xuất dương qua đường gốm sứ trên biển. Và khi việc giao thương trở lại bình thường, không còn đơn hàng, vẻ đẹp mang sự kết hợp đa dạng phong cách ấy của gốm cũng tiêu tan, gốm Việt lại trở về bản chất thực của nó, định hình thêm những phong cách chế tác muộn hơn, thuần Việt hơn và cũng không kém phần đặc sắc như gốm lam xám thời Mạc, gốm men màu thời Lê Trung hưng.
Không ngờ rằng con tàu buôn chở gốm Chu Đậu bị đắm tại Cù Lao Chàm từ hơn 500 năm trước lại chứa một giá trị vô giá, minh chứng rằng các làng nghề gốm Việt xưa như Chu Đậu có kỹ thuật gia công đủ khả năng đáp ứng nhu cầu cao của các thị trường dụng gốm thế giới. (còn tiếp)
http://baotanglichsu.vn