Trang chủ Liên hệ

Sức hấp dẫn gốm cổ Chu Đậu

Huynh Nguyễn Hữu 23/03/2020

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, sau hơn 500 năm thất truyền, làng nghề gốm cổ Chu Đậu đã được hồi sinh và phát triển lên tầm cao mới. Nơi đây đang trở thành một địa chỉ du lịch làng nghề hấp dẫn du khách đến tham quan, mua sắm.

Nghệ nhân trẻ Chu Đậu say mê sáng tác sản phẩm mới

Phát huy tinh hoa vốn cổ làng nghề

Gốm Chu Đậu, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương được coi là gốm Đạo, gốm bác học, nó toát lên vẻ đẹp dung dị của người Việt Nam, một bản sắc Thuần Việt biểu trưng của nền văn minh châu thổ sông Hồng. Nét đặc trưng của Gốm Chu Đậu thể hiện ở kiểu dáng, màu sắc, văn hóa và các họa tiết tinh xảo. Những hoa văn trang trí trên Gốm Chu Đậu khiến người xem cảm nhận được bản sắc văn hóa của con người Việt Nam.

Phát triển rực rỡ trong suốt thời Lý – Trần – Lê – Mạc, từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, sau đó do chiến tranh loạn lạc nên nghề gốm cổ Chu Đậu đã bị thất truyền. Đến năm 2001, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã quyết định hồi sinh làng nghề gốm cổ Chu Đậu bằng cách mở các lớp đào tạo, mời nghệ nhân về truyền nghề, đầu tư nghiên cứu các bài men cổ, xương cốt, kỹ thuật sản xuất, đồng thời, gửi công nhân đi học tại các làng nghề. Từ đó, gốm Chu Đậu được phục hồi với hàng ngàn mẫu mã cổ cùng nhiều kiểu dáng, kích cỡ khác nhau.

Để phát huy nghề gốm cổ quý giá, Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu đã không ngừng cải tiến mẫu mã trên cơ sở các mẫu gốm cổ nhằm đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của khách hàng; đồng thời đầu tư đổi mới công nghệ trong các khâu chế tạo sản phẩm, nâng tầm gốm Chu Đậu với những sản phẩm tinh xảo, độc đáo, từ chiếc bình gốm thể hiện chiến dịch Điện Biên Phủ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bình miêu tả lễ hội mừng chiến thắng, đến chiếc bình gốm dát vàng…. Đến nay, gốm Chu Đậu đã có mặt tại hàng trăm nước trên thế giới: Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Trung Quốc... Tháng 9/2013, ba sản phẩm gốm Chu Đậu đã được Hội đồng Xác lập kỷ lục Việt Nam trao bằng chứng nhận xác lập kỷ lục có kích thước lớn nhất gồm: Chiếc đĩa gốm với 1.000 chữ “Long” viết bằng thư pháp, chiếc bình hoa Lam Đại và chiếc bình Tỳ Bà.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Cùng với việc khôi phục nghề gốm cổ, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã chú trọng phát triển du lịch làng nghề, xây dựng gian trưng bày với 1.000m2 để trưng bày giới thiệu các sản phẩm phục chế các mẫu mã cổ; đồng thời xây dựng Không gian vườn gốm thư pháp, Nhà thờ tổ gốm linh từ... Hữu sạ tự nhiên hương, danh tiếng gốm Chu Đậu đã trở thành điểm đến trong tour tuyến du lịch vùng Đông Bắc đất nước. Hàng năm, Chu Đậu đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan và mua sản phẩm làm quà lưu niệm. Thương hiệu Gốm Chu Đậu Hapro đã trở thành quen thuộc, thân thiết với nhiều khách hàng Việt Nam và quốc tế. Nơi đây đang trở thành điểm hấp dẫn du khách đến tham quan, trở thành địa danh trong bản đồ du lịch của tỉnh Hải Dương.

Không chỉ thu hút khách trong nước, làng gốm Chu Đậu còn hấp dẫn đông đảo khách nước ngoài; trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài là những nhà khoa học có nhu cầu nghiên cứu về không gian, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, các di vật gốm cũ, các lò, công cụ chế tạo gốm cổ. Công ty cổ phần Gốm Chu Đậu đang có kế hoạch xây dựng khu sản xuất làng nghề khoảng 10ha cho các hộ trong làng nghề ra sản xuất tập trung, hình thành trung tâm du lịch làng nghề. Hiện gốm Chu Đậu đã được đưa vào 4 chương trình du lịch của Công ty Hapro Travel phục vụ khách du lịch nội địa và 2 chương trình cho khách du lịch quốc tế.

 

Bài viết liên quan