Trang chủ Liên hệ

Vẻ đẹp Chu Đậu

Huynh Nguyễn Hữu 23/03/2020

 

Hai món cổ vật được bảo tàng Topkapi Saray trưng bày một cách trang trọng như một bảo vật và nhiều người ngẩn ngơ trước vẻ đẹp sang trọng, quí phái nhưng vô cùng nền nã của nó. Thế mà ở ta đến nay vẫn chưa có một bảo tàng Chu Đậu nào để thu hút du khách. Để du khách đến chỉ nhìn ngắm nó rồi về chứ không đi đâu khác!

Đồ gốm sứ Chu Đậu, tên một làng sản xuất đồ gốm sứ ở Hải Dương, cực thịnh trong vòng 200 năm từ cuối thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16. Các sản phẩm Chu Đậu hiện nay được tìm thấy rất nhiều nơi trên thế giới từ Ai Cập đến Trung Cận Đông, đến toàn bộ các nước ở Đông Nam Á, và rất nhiều ở Nhật Bản. Có thể nói không ngoa rằng đã có một thời "vẻ đẹp" Việt Nam, tâm hồn người Việt Nam, cái "gu" Việt Nam, xìtin Việt Nam… đã được phổ biến ra khắp thế giới và trở thành một thứ hàng hiệu cao cấp sang trọng như bây giờ ta xài hàng Nhật vậy.

   Thậm chí tác giả Morimura Kenichi trong hội thảo đồ gốm sứ Việt Nam và mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đã đưa ra nhận xét rằng chính đồ gốm sứ Việt Nam thế kỷ 15-16 đã có ảnh hưởng và có mối quan hệ mật thiết với quá trình hình thành các dòng phái trà đạo của Nhật Bản.
   Tiếp xúc với đồ gốm Chu Đậu từ khá lâu, ngay từ những năm 1980, khi ngư dân Quảng Nam kéo lưới vớt lên những món đồ gốm cũ và bày bán trên vỉa hè Hội An, tôi, và có lẽ cũng nhiều người khác, vẫn không nhận ra vẻ đẹp của các món đồ cổ men trắng xanh lam màu sắc rất chìm cùng nét vẽ thiếu trau chuốt ấy.

    Cho đến khi vào một hội chợ gốm sứ Giang Tây, Trung Quốc, choáng ngợp trước sự trau chuốt, tinh xảo của đồ sứ Trung Quốc tôi mua hàng mớ đem về đặt cạnh những món đồ giả cổ Chu Đậu trên kệ sách và bỗng bất ngờ nhận ra hai thứ thật khó đặt cạnh nhau. Một thứ thật diêm dúa, lộng lẫy, rực rỡ, cầu kỳ, tinh xảo đến lạnh lùng; còn một thứ thì thật dân dã, phóng khoáng, thô ráp nhưng nhìn kỹ mới thấy nét tài hoa trong mô tả cái hồn của vật được vẽ. Như chiếc nậm rượu hình rồng trong con tàu đắm ở cù lao Chàm này chẳng hạn, nét vẽ không cầu kỳ trau chuốt, nhìn các vẩy rồng thì biết, nhưng toàn thể sản phẩm là một sự hài hòa giữa hình khối và nét vẽ. Những thứ không được vẽ như các bắp cơ cuồn cuộn của con rồng cũng toát lên hình khối mà ta không cảm nhận được rõ ràng nó toát ra từ đâu. Một con rồng thật sống động, oai phong nhưng cũng thật dễ thương và gần gũi.

   Được biết món đồ sứ hình rồng này là độc bản, chỉ có một chiếc duy nhất trong hơn 240.000 món đồ cổ trong con tàu đắm cù lao Chàm. Hình con rồng này được làm biểu tượng của trang web www.Hoianhoard.com , nơi giới thiệu và bán đấu giá các món cổ vật này. Chiếc nậm rượu hình con rồng ấy đã được bán với giá 200.000 USD! Một bảo vật quốc gia đã bị vuột mất!

   Bình Chu Đậu trưng bày ở bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và ở chiếc đĩa vẽ hình con ngan (vịt xiêm) được bán với giá 70.000 USD cũng vậy, trong thế bước đi, lao tới như tấn công một cậu bé nào đó, đôi mắt nhíu lại hằn lên một sự dọa nạt, trông nó thật oai phong lẫm liệt nhưng cũng thật buồn cười và dễ thương! Những nét vẽ sinh động và phóng khoáng như vậy ta có thể nhận thấy ở bất cứ món đồ nào của Chu Đậu. Món đồ đặc sắc và nổi tiếng nhất được nhiều người biết đến là chiếc bình gốm trưng bày ở bảo tàng cổ vật Topkapi Saray, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Bình được làm tại Nam Sách, Hải Dương vào năm 1450. Một của người thợ họ Bùi ở châu Nam Sách làm vào năm thứ 8, niên hiệu Thái Hòa (đời vua Lê Nhân Tông – 1450) đã ký tên mình vào đáy bình. Tại đây cũng lưu giữ một lư hương gốm màu xám của nghệ nhân Đặng Huyền Thông làm từ năm Hưng Trị thứ 2 (1589).

   Hai món cổ vật được bảo tàng Topkapi Saray trưng bày một cách trang trọng như một bảo vật và nhiều người ngẩn ngơ trước vẻ đẹp sang trọng, quí phái nhưng vô cùng nền nã của nó. Thế mà ở ta đến nay vẫn chưa có một bảo tàng Chu Đậu nào để thu hút du khách. Để du khách đến chỉ nhìn ngắm nó rồi về chứ không đi đâu khác!

Bài viết liên quan