Có thể bạn đã biết gốm Chu Đậu là một dòng gốm cổ nổi tiếng và rất được ưa chuộng ở Việt Nam, bên cạnh đó gốm Chu Đậu cũng được các chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao. Các mẫu bình gốm Chu Đậu cổ hiện đang được trưng bày tại hơn 40 bảo tàng trên toàn thế giới. Đặc biệt, bình Hoa Lam gốm Chu Đậu cổ đã được bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mua bảo hiểm 1 triệu đô.
Vậy điều gì làm nên bản sắc của gốm Chu Đậu mà lại được thế giới đánh giá cao đến vậy? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Bình Hoa Lam vẽ vàng kim - được phục dựng từ mẫu bình Hoa Lam cổ nhưng được kết hợp với phong cách trang trí hiện đại
Điều đầu tiên, cũng là quan trọng nhất mang đến bản sắc rất riêng của gốm Chu Đậu mà không dòng gốm nào có được, chính là chất men gốm. Men gốm Chu Đậu được làm từ tro trấu. Người ta sẽ tách vỏ trấu từ hạt thóc vàng, sau đó đem đi đốt để chiết xuất thành men gốm.
Chính bởi vậy, các sản phẩm gốm Chu Đậu sẽ có màu men rất đặc biệt - màu trắng ngà từ vỏ trấu. Lớp men này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là dòng men độc bản. Ngoài ra, chất men này được làm hoàn toàn từ tự nhiên, không pha hóa chất nên rất an toàn khi sử dụng.
Không chỉ đẹp và an toàn, men gốm Chu Đậu còn rất bền với thời gian. Trải qua hơn 400 năm thất lạc, bị chôn vùi dưới lòng đất, lòng biển của Cù Lao Chàm, nhưng các mẫu vật gốm Chu Đậu cổ khi được trục xuất vẫn giữ được những đường nét, hoa văn gần như nguyên vẹn.
Ngoài ra, vì được làm từ vỏ của hạt thóc - một nguyên liệu sẵn có và là biểu tượng của nền văn minh lúa nước Việt Nam nên lớp men gốm Chu Đậu cũng mang đậm bản sắc, hồn cốt của người Việt.
Thứ hai, các sản phẩm gốm Chu Đậu luôn được tạo hình dựa trên cảm hứng từ tự nhiên. Ví dụ như các bình hoa thường được tạo dáng dựa trên quả bầu, quả bí. Đây là nguyên tắc tạo hình gốm theo kiểu truyền thống. Có thể nói, gốm Chu Đậu luôn muốn gìn giữ nét truyền thống của văn hóa Việt Nam.
Thứ ba, về khâu trang trí, các sản phẩm gốm Chu Đậu luôn được trang trí thành 3 phần: Mở bài, thân bài và kết bài. Đặc biệt, riêng dòng gốm Chu Đậu, mực khi vẽ sẽ có màu nâu, nhưng sau khi phun lớp men và đem vào lò nung sẽ cho ra các họa tiết màu xanh lam truyền thống.
Khi nhắc đến các sản phẩm gốm Chu Đậu, người ta không thể không nhắc đến bình Hoa Lam. Có thể nói, chính sản phẩm này đã giúp thế giới biết đến văn hóa gốm của Việt Nam.
Năm 1980, ông Anabuki - nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trong một chuyến đi công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trông thấy chiếc bình Hoa Lam Cổ cao 54cm được trưng bày tại bảo tàng TokapiSaray ở Istanbul. Trên vai bình có khắc 13 chữ Hán: Thái Hòa bát niên - Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút. (tạm dịch: Năm Thái Hòa thứ tám (1450), tại châu Nam Sách, người thợ Bùi Thị Hý viết).
Từ đó, người ta mới biết đến tại huyện Nam Sách, Hải Dương đã từng có một làng gốm phát triển vô cùng hưng thịnh từ thế kỷ 13 - thế kỷ 17. Sau đó, nó đã bị thất truyền hơn 400 năm do chiến tranh. Đến thế kỷ XX, Công ty cổ phần gốm Chu Đậu được thành lập với mong muốn phục dựng lại làng gốm cổ này nhằm quảng bá gốm Việt Nam ra toàn thế giới.
Hiện nay, các sản phẩm gốm Chu Đậu rất được ưa chuộng tại Việt Nam và được xuất khẩu mạnh ra thị trường nước ngoài.