Lãnh đạo tỉnh Hải Dương thăm bảo tàng Tokapi tại Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ | CÔNG TY CỔ PHẦN GỐM CHU ĐẬU
0

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương thăm bảo tàng Tokapi tại Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ

Đăng bởi Nguyễn Đức Thinh vào lúc 23/03/2020

Lãnh đạo tỉnh Hải Dương thăm bảo tàng Tokapi tại Istanbul – Thổ Nhĩ Kỳ

 

Từ ngày 9-10/8, Đoàn công tác tỉnh Hải Dương do ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương làm Trưởng đoàn có chuyến thăm và làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 09/8, Đoàn đã đến làm việc tại Bảo tàng Cung điện Tokapi tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ – nơi đang lưu giữ một bình gốm cổ Chu Đậu – Hải Dương. 

Tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Mạnh Hiển cho biết làng nghề gốm Chu Đậu của Hải Dương hiện nay rất phát triển, các sản phẩm của làng đã được dùng làm tặng phẩm của các lãnh đạo Việt Nam và gần đây làng nghề đã tái tạo lại chiếc bình giống với hiện vật đang có ở Bảo tàng Cung điện Tokapi.
 



Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển tặng Giám đốc Bảo tàng Cung điện Tokapi Ayse Erdogum chiếc bình mô phỏng bình gốm cổ Chu Đậu.

Bà Ayse Erdogu – Giám đốc Bảo tàng cho biết, chiếc bình gốm Chu Đậu là một hiện vật rất quý của bảo tàng, chưa có bình gốm nào của bảo tàng lại có họa tiết và thông tin rõ như vậy với 13 Hán tự.

Chiếc bình gốm Chu Đậu được trưng bày ở bảo tàng từ năm 1980 đến năm 2000; sau đó do có động đất ở Istanbul nên bảo tàng phải trùng tu lại, bình gốm Chu Đậu được lưu giữ trong kho. Sắp tới bảo tàng hoàn tất trùng tu, bình gốm sẽ tiếp tục được đưa ra trưng bày. Cũng theo bà Erdogu, hiện bảo tàng còn có hai hiện vật về gốm khác cũng có nguồn gốc từ Việt Nam.

Chiếc bình gốm Chu Đậu được biết đến từ một bức thư của ông Makoto Anabuki, cán bộ ngoại giao Nhật Bản (từng làm Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) gửi nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Ngô Duy Đông thông tin về một chiếc bình gốm cổ được trưng bày tại Bảo tàng Tokapi vào năm 1980.
 



Bình gốm cổ Chu Đậu của Việt Nam trong danh sách hiện vật của Bảo tàng Cung điện Tokapi.  

Trên bình có 13 chữ Hán: “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, tạm dịch là “Năm Thái Hòa thứ tám (đời vua Lê Thánh Tông 1450), thợ gốm Bùi Thị Hý vẽ” (hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về các chữ Hán trên bình và thứ tự sắp xếp các chữ).

Từ bức thư này, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khám phá dòng gốm cổ Chu Đậu của Việt Nam từng phát triển hưng thịnh từ thế kỷ 15 và 16. Từ các hiện vật cổ khai quật được, các nhà nghiên cứu đã mô phỏng khôi phục lại và tạo nên thương hiệu gốm Chu Đậu ngày nay.

Hotline: 0969655095
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

CÔNG TY CỔ PHẦN GỐM CHU ĐẬU
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn