Tiến sĩ Phạm Quốc Quân. Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Không một chút chủ quan để nói rằng, gốm Chu Đậu là đỉnh cao chói sáng của gốm Việt thời Lê sơ (Thế kỷ 15). Gốm Chu Đậu cùng với gốm của những thế kỷ đầu Công nguyên vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã và gốm thời Lý – Trần (thế kỷ 11-14), tạo nên ba bức tượng đài sừng sững trong công viên hai nghìn năm gốm sứ phía Bắc của mảnh đất chữ S Việt Nam hôm nay. Chúng xứng đáng là ba cột mốc, với những giá trị văn hóa và lịch sử, tạo nên ba bước ngoặt mang tính bản lề trong diễn trình phát triển ngành nghề thủ công, không chỉ với gốm sứ Việt mà với cả khu vực Đông Nam Á nói chung.
Gốm Chu Đậu thời Lê sơ là cột mốc cho một giai đoạn bản lề trong công cuộc đổi mới và cách tân công nghệ sản xuất gốm, hướng tới những sản phẩm, phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu, nhằm cạnh tranh với cường quốc gốm sứ Trung Hoa đương thời.
Những người thợ gốm Chu Đậu kết hợp với những nghệ nhân lỗi lạc, tài hoa của cả nước, chắc chắn được tuyển lựa từ những quan ngự xưởng triều đình, trước hết, nhằm nâng cấp và đổi mới những dòng gốm có từ trước đó lên một đỉnh cao mới.
Gốm hoa lam có từ thời Trần, xem ra còn thô phác, mộc mạc, đơn điệu, qua bàn tay thợ gốm Chu Đậu, chúng phong phú, đa dạng với những tuyệt phẩm đầy tính sáng tạo, được thể hiện từ loại hình đến hoa văn trang trí.
Gốm men trắng có từ thời Lý – Trần, không quá trong, mọng và đồng đều về sắc độ, nhưng đến Chu Đậu, chúng vươn tới một đỉnh cao, được thể hiện đặc biệt qua bộ đồ gốm, được các nhà nghiên cứu thế giới gọi tên "gốm men trắng văn in", đạt đến tầm mức đồ sứ, với xương mỏng như giấy, thấu quang, men trắng như ngọc, như ngà. Đó là những sản phẩm thuộc "lò quan", được đặt ở Chu Đậu phục vụ cho cung đình, hoàng gia, dùng trong các quốc từ, quốc miếu, quốc tự và làm quà tặng cho các vương triều lân bang đương thời.
Không chỉ nâng cấp, những người thợ gốm Chu Đậu còn sáng tạo dòng gốm men nhiều màu đầy quyến rũ. Với màu xanh coban làm chủ đạo, được vẽ dưới men trắng, nung nặng lửa cao nhiệt, kết hợp với những màu nâu, vàng, xanh lục vẽ trên men, nung nhẹ lửa, như những đường viền, tô điểm cho họa tiết chủ công màu xanh lam coban. Công nghệ nung gốm nặng lửa và nhẹ lửa, dường như đến thời Lê, thế kỷ 15, thợ gốm Đại Việt ở Chu Đậu đã làm chủ hoàn toàn. Đặc biệt, trên những đồ gốm men nhiều màu này, người thợ còn dát thêm vàng 10, tạo nên sự sang trọng, quyền quý, được nhà gốm sứ học người Anh John Guy coi đó như một phát kiến của thợ gốm Việt, có trước cả Trung Hoa, Nhật Bản. Gốm men lam xám cũng là dòng men khởi phát vào thời Lê sơ, với màu lam tím sâu lắng, như là những gợi ý cho những tác phẩm lư hương, chân đèn nổi tiếng sau này của tượng nhân Đặng Huyền Thông sáng tạo vào triều Mạc.
Đĩa gốm Chu Đậu cổ dát vàng tại Bảo tàng Mỹ thuật Boston, Hoa Kỳ
Gốm Chu Đậu còn quá nhiều những điểm nhấn mang tính kế thừa và sáng tạo, trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ lẩy ra đôi ba dẫn dụ, để độc giả hình dung được tính chất bản lề, thuộc về trung tâm này ở thế kỷ 15.
Cũng chính bởi sự sáng tạo của thợ thủ công Chu Đậu, đã tạo nên những sản phẩm gốm hấp dẫn đối với thị trường đương thời, theo đó, đã thu hút được sự quan tâm của người tiêu dùng, đặc biệt đối với thị trường bên ngoài, trong đó nổi lên là khách hàng tại những quốc gia Hồi giáo. Có thể nói, trong nhiều thánh đường Đạo Hồi, sản phẩm gốm Chu Đậu ghép trên những bức tường, bày trên những đồ thờ tự, được khảo cổ học phát hiện, không chỉ ở Đông Nam Á.
Cho đến nay, chưa có tài liệu ghi chép đích xác nào chỉ ra, sự có mặt của gốm Chu Đậu, với tư cách là hàng hóa xuất khẩu sớm nhất đến với các quốc gia nhập khẩu. Chứng tích vật chất sớm nhất và có sức thuyết phục nhất về gốm Chu Đậu có mặt trên thế giới, hiện biết, cho tới nay, đó là chiếc bình hoa lam nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, có niên đại tuyệt đối 1450, do tượng nhân Bùi Thị Hý vẽ vào năm thứ 8, niên hiệu Thái Hòa. Niên hiệu này đường như cũng trùng hợp với niên đại tàu đắm cổ Hội An (Quảng Nam), chở gốm Chu Đậu đi bán, cũng nằm ở bán phần đầu của thế kỷ ấy và cũng tương đồng với niên đại C14, xác định được trên một tấm ván đóng tàu.
Bình hoa lam nổi tiếng ở Thổ Nhĩ Kỳ, có niên đại tuyệt đối 1450
Gốm Chu Đậu nói riêng, gốm Việt Nam nói chung được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước ngợi ca như một hiện tượng đầy bản sắc. Bản sắc ấy vừa có hơi thở của sức sống truyền thống, vừa có sự cởi mở, tiếp thu tinh hoa gốm sứ bên ngoài. John Guy và John Stevenson đã có lý khi đưa ra một mệnh đề nổi tiếng, đồng thời cũng là đầu đề tác phẩm nghiên cứu gốm Việt Nam đồ sộ của họ, đó là "Gốm Việt Nam – Một truyền thống riêng biệt".
Và, cũng chính truyền thống riêng biệt ấy, gốm Việt Nam, trong đó có Chu Đậu, dưới con mắt của những người thưởng ngoạn và nghiên cứu trên hầu khắp các quốc gia, chúng có một vị trí đặc biệt hấp dẫn, theo đó, các bảo tàng lớn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Philippines, Singapore, Úc, Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Mỹ v.v. đều có một phần trưng bày gốm Việt Nam, tùy ở mức độ khác nhau, với những không gian trang trọng và những lời phẩm bình có cánh. Ở Nhật Bản, người dân và nhà nước yêu gốm Việt như những báu vật và gần đây, họ đã tôn vinh một chiếc mâm bồng vẽ nhiều màu – một sản phẩm của gốm Chu Đậu, thế kỷ 15 là bảo vật quốc gia của đất nước họ.
Gốm Việt Nam, gốm Chu Đậu quý vì hiếm. Nhiều nhà sưu tầm cổ vật Việt Nam, mấy năm trở lại đây, muốn hồi hương loại di sản này, đều bó tay bất lực vì không tìm đâu ra nguồn khai thác, và nếu có khai thác được, rất ít người muốn bán. Bởi, đó là máu thịt của những người đam mê, là hồn cốt quê hương của những người xa xứ.
Năm 2001, hãng đấu giá Christie's nổi tiếng đã bán chiếc bình gốm men nhiều màu, hoa sen và hoa cúc dây, niên đại thế kỷ 15 gốm Chu Đậu với giá gõ búa là 300.000 bảng Anh, tương đương 480.000 đô la Mỹ. Nên nhớ, đó là giá của năm 2001, chưa thấm tháp gì đối với thị giá hiện nay.
Chiếc chum gốm Việt thế kỷ thứ 15 này bất ngờ đấu giá thành công với hơn 10,6 tỉ đồng ẢNH: CHRISTIES.COM
Gốm Việt Nam, ngoài vẻ đẹp tự thân, ngoài tình cảm tự tôn của người Việt đối với di sản của đất nước, ngoài sự ưa chuộng về tính riêng biệt đối với thẩm mỹ của người nghiên cứu và sưu tầm, còn một lý do khác nữa, để gốm Việt Nam lên ngôi, theo tôi, đó là vị thế đất nước ngày càng được khẳng định trên thế giới, như một tiêu chí để tăng giá trị của loại hình di sản này trong hiện tại cũng như tương lai./.
Bình gốm Chu Đậu được hãng Christie's bán đấu giá tại London năm 2001 với giá 480.000 USD
TS. Phạm Quốc Quân
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia