Bất ngờ ở Thánh địa nam Sách | CÔNG TY CỔ PHẦN GỐM CHU ĐẬU
0

Bất ngờ ở "Thánh địa" Nam Sách

Đăng bởi Nguyễn Hữu Huynh vào lúc 06/04/2021

TT - Công cuộc tìm kiếm về nền văn hóa thường có nhiều sự tình cờ khởi đầu cho những phát lộ lớn. Câu chuyện tìm ra nơi sản xuất gốm Chu Đậu cũng khởi điểm bằng sự may mắn như thế.

Đống bao nung và mảnh gốm khai quật vào năm 2014 tại trung tâm làng Chu Đậu - Ảnh: Thái Lộc

Cuộc phát hiện tình cờ

Đôi mắt sâu nhìn về phía hư không, ông Tăng Bá Hoành - nguyên trưởng Ban thông sử Hải Hưng và giám đốc Bảo tàng Hải Dương - trầm ngâm nhớ lại những ngày ông “giang hồ” khắp huyện Nam Sách của tỉnh nhà để tìm manh mối gốm Chu Đậu.

Thời đó, đội điền dã tỉnh Hải Hưng chú ý đến khu vực sản xuất gốm ở vùng Thanh Lâm, thuộc châu Nam Sách như sử sách đã ghi (nay là một phần của huyện Nam Sách và TP Hải Dương). Nhưng trong suốt thời gian dài điền dã thực địa, nhóm thực hiện gần như không tìm thấy manh mối gì.

Sau khi thất bại ở Thanh Lâm, ông Hoành với những hiểu biết về chữ Hán của mình đã tiếp tục tìm đọc các minh văn còn lưu giữ lại trên gốm sứ và rất nhiều sách sử để lại. Trên nhiều bình gốm đang lưu trữ tại Bảo tàng Hải Hưng và nhiều nơi khác có minh văn liên quan đến nhân vật Đặng Huyền Thông. Những minh văn ghi rõ gốc gác của nhân vật này ở xã Hùng Thắng (huyện Bình Giang, Hải Dương ngày nay).

Ngồi nghĩ lại thời gian đi theo hướng Hùng Thắng, ông Hoành đưa tay bóp lấy vầng trán chằng chịt nếp nhăn của mình.

Người thủ lĩnh đầu tiên trong cuộc lật tung lòng đất, tìm về một thời gốm Việt Nam đạt đến trình độ cao này như nhớ lại: “Thời gian dài chúng tôi tìm theo hướng xã Hùng Thắng nhưng không phát hiện bất cứ điều gì chứng minh tại quê hương của nghệ nhân Đặng Huyền Thông là cái nôi của gốm hoa lam cả”.

Với rất nhiều kỳ vọng ban đầu nhưng hai hướng nghiên cứu là Thanh Lâm và Hùng Thắng không mang lại kết quả, nhóm điền dã quyết định mở rộng địa bàn tìm kiếm không chỉ ở Nam Sách mà toàn tỉnh Hải Hưng.

Năm 1983, tỉnh Hải Hưng thực hiện chương trình nghiên cứu các nghề thủ công cổ truyền, trong đó có nghề gốm. Mục tiêu chính là giải mã cho được gốc gác 36 nghề truyền thống của tỉnh.

Trước khi lên đường, người khởi xướng Tăng Bá Hoành nhắc nhở mọi người rằng ngoài nghiên cứu các nghề cổ theo hướng liên ngành, đặc biệt nếu có phát hiện liên quan đến khảo cổ học phải báo ngay cho ông.

Một buổi chiều, nhóm điền dã nghề chiếu cói ở làng Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách đi về báo với ông Hoành rằng trong làng có mấy vật làm bằng đất nung rất lạ, mà các cụ ở làng không biết để làm gì. Có vật mang hình như cái mâm bồng có ba chân, hay như hình cái vòng tay có đính ba hạt đất.

“Tôi nhìn ra ngay đó là con kê. Tôi xuống ngay làng Chu Đậu, bới bờ tre ra được một cái tước gốm còn dính cái bao nung trong miệng. Tôi nhận định đó là tiêu chí để khẳng định dứt khoát đây là nơi sản xuất đồ gốm cao cấp hẳn hoi!” - ông Hoành nói.

Những dụng cụ làm gốm Chu Đậu cổ khai quật được trưng bày tại Bảo tàng Hải Dương - Ảnh: Thái Lộc

Đánh thức giấc ngủ trăm năm

“Nàng công chúa xinh đẹp” có giấc ngủ quá lâu trong lòng đất đã dần hé lộ. Gần ba năm sau lần phát hiện tình cờ ấy, tỉnh Hải Hưng mới có điều kiện khai quật. Tháng 4-1986, Bộ Văn hóa cấp giấy phép cho tỉnh Hải Hưng khai quật lần đầu tiên ở làng Chu Đậu.

Tại hai hố rộng 35m2, các nhà khoa học tìm thấy hàng ngàn hiện vật với rất nhiều con kê hình đĩa, hình vành khăn, nón cụt và hình vòng đeo tay, những chồng bát đĩa gốm hoa lam dính chồng vào nhau bị quá lửa nên méo xẹo, nhiều chồng gốm non lửa thì vàng xỉn, nhiều xỉ than và mảnh bao nung gốm cùng rất nhiều mảnh bát đĩa lớn nhỏ...

Các nhà khảo cổ tỉnh Hải Hưng ngỡ ngàng và sung sướng đến vô bờ như niềm hạnh phúc của bậc sinh thành nhìn thấy đứa con mình chập chững những bước chân đầu đời.

Kết quả khai quật ấy được báo cáo tại hội nghị khảo cổ học toàn quốc tổ chức vào tháng 9-1986, trở thành một bất ngờ lớn trong giới khoa học. Nó trở thành một nhận thức mới về gốm Việt Nam trong lịch sử và tên gọi Chu Đậu - lấy theo tên ngôi làng đầu tiên phát hiện gốm - được ghi vào bản đồ khảo cổ học là một di tích quan trọng bậc nhất của gốm sứ Việt Nam.

Từ năm 1986-1991, trải qua năm cuộc khai quật khảo cổ ở làng Chu Đậu, dù tổng diện tích chỉ 140,5m2 và thám sát khảo cổ 19m2 nhưng đã thu được hàng vạn hiện vật về sản phẩm và công cụ sản xuất gốm sứ.

Đó là kết quả ngoài mong đợi của ông Hoành và cộng sự, xác định được ngôi làng nhỏ nằm ven sông Thái Bình này là một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn tỏa khắp thế giới Đông - Tây một thời.

Đồng thời với đó là việc mở rộng địa bàn điền dã, khảo sát, các nhà nghiên cứu liên tục đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi phát hiện thêm 13 điểm có trầm tích gốm sứ. Bao gồm: Trạm Điền, Vạn Yên, Trụ Thượng, Kiệt Đoài, làng Gốm thuộc huyện Chí Linh; Linh Xá, Quao thuộc huyện Nam Sách; Phúc Lão, làng Ngói, làng Cậy, Bá Thủy, Hợp Lễ thuộc huyện Bình Giang...

Đó thực chất là 14 trung tâm sản xuất gốm sứ xuất khẩu dưới thời Lê trên địa bàn tỉnh Hải Hưng.

Những chứng cứ trên đã có thể trả lời những thắc mắc của vị cán bộ ngoại giao Nhật Bản rằng: gốc gác của bình gốm hoa lam ở nước Thổ Nhĩ Kỳ xa xôi ấy chính là tỉnh Hải Hưng cũ, địa bàn Hải Dương sau này...

Mới đây nhất vào năm 2014, TS Bùi Minh Trí, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh thành, đã chủ trì cuộc khai quật lớn nhất từ trước đến nay ở làng Chu Đậu. Tại hai hố đào rộng 100m2, đoàn khai quật thu được gần 7.800 hiện vật.

Quan trọng hơn là lần này phát hiện dấu tích lò nung gốm Chu Đậu chuyên sản xuất gốm gia dụng với ba dòng chính là gốm men ngọc, hoa lam và men trắng.

Đặc biệt, việc phát hiện những sản phẩm gốm men ngọc được nung riêng trong một bao nung vừa chứng minh trình độ sản xuất rất cao của gốm Chu Đậu, vừa phản ánh việc đầu tư sản xuất trên quy mô lớn để cung cấp cho thị trường các mặt hàng cao cấp.

Các nhà nghiên cứu càng thú vị hơn trong cuộc khai quật lần này là lần ra mối quan hệ giữa Chu Đậu và Thăng Long trước đây.

Theo bản báo cáo sơ bộ kết quả khai quật năm 2014, việc thu được hai sản phẩm gốm của lò quan Thăng Long tại một hố, được cho là phát hiện cực kỳ có giá trị, chứng minh thợ gốm ở Chu Đậu đã có mối quan hệ với thợ gốm ở Thăng Long hoặc quà tặng từ Thăng Long đưa về Chu Đậu...

Lò này xuất lộ rất nhiều sản phẩm gốm men ngọc, cũng được khẳng định cùng loại gốm từng được sử dụng trong hoàng cung ở Thăng Long đương thời. Những phát lộ chứng minh Chu Đậu là nơi tiếp thu nhiều thành tựu công nghệ trong việc sản xuất các dòng gốm cũng như loại hình sản phẩm, đồng thời là nơi sản sinh những phong cách riêng bởi những thợ gốm tài ba.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, vẫn còn rất nhiều bí ẩn tồn tại trong lòng đất Chu Đậu, bởi vài trăm mét vuông được khai quật chưa thể phản ánh hết những thành tựu gốm được sản xuất trải dài suốt mấy thế kỷ.

Chỉ tính riêng ở làng Chu Đậu, diện tích khoanh vùng đã lên đến chừng 40.000m2 với mật độ dân cư đông đúc. Nơi mà theo ông Trần Hữu Quang, phó thôn Chu Đậu: “Người ta chỉ cần lấy hết lớp đất màu đến tầng gốm, nhiều nơi dày từ 3-4m cứ thế mà xây nhà chứ không cần phải làm móng, mấy tầng cũng không lún!”.

TRẦN MAI - THÁI LỘC

 

Hotline: 0969655095
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

CÔNG TY CỔ PHẦN GỐM CHU ĐẬU
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn