Anh Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu luôn khắc ghi lời dạy của Bác, coi đây là kim chỉ nam dẫn lối giúp anh thực hiện trách nhiệm của người lãnh đạo doanh nghiệp.
Anh Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu (thứ ba từ trái sang) kiểm tra chất lượng sản phẩm mới. Ảnh tư liệu
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, anh Thức đã góp phần làm hồi sinh và phát triển thương hiệu gốm Chu Đậu như ngày nay.
Lấy người lao động làm gốc
Anh Thức sinh năm 1972, tại xã Cộng Hòa, Nam Sách. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, anh vào làm tại Công ty sản xuất, dịch vụ và xuất nhập khẩu Nam Hà Nội (nay là Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP). Quá trình làm việc, anh Thức đã trải qua nhiều vị trí công tác ở các lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, xuất nhập khẩu, phát triển nguồn hàng... Với kinh nghiệm và năng lực của mình, năm 2013, anh Thức được lãnh đạo Tổng công ty tin tưởng, giao nhiệm vụ làm Giám đốc công ty CP Gốm Chu Đậu thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP, thành viên của tập đoàn BRG.
Làng nghề gốm Chu Đậu từng bị thất truyền, lãng quên. Nhiệm vụ vừa khôi phục, vừa phát triển nghề truyền thống để lưu giữ bản sắc dân tộc nhưng vẫn phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường là điều rất khó. Theo lời kể của những nhân viên làm việc trong Công ty CP Gốm Chu Đậu, trước khi anh Thức về nhận nhiệm vụ, tình hình sản xuất, kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn. Công ty thường xuyên thua lỗ, không thể đóng đầy đủ các loại bảo hiểm cho công nhân. Đời sống của người lao động rất khó khăn. Mẫu mã các loại sản phẩm không đa dạng như bây giờ...
Anh Thức chia sẻ: "Mặc dù lĩnh vực kinh doanh là hàng thủ công, hơn nữa bản thân lại tiếp quản công ty trong tình thế khó khăn nhưng chúng tôi chưa một lần nản chí. Ngay khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo công ty, chúng tôi đã bám sát chủ trương của tổng công ty, xác định rõ phương hướng, mục tiêu chiến lược, tập trung chỉ đạo điều hành, tái cơ cấu bộ máy. Những khó khăn của công ty là động lực để Ban lãnh đạo công ty quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ được giao. Chúng tôi luôn tin tưởng gốm Chu Đậu sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới".
Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ với doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam là phải đoàn kết nội bộ, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên, khi tiếp quản công ty, việc làm đầu tiên của anh Thức là tìm các giải pháp bảo đảm việc làm ổn định, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho người lao động. Hiện nay, 100% số công nhân được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm xã hội, y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Các ngày nghỉ lễ, Tết, công nhân luôn được thưởng và nghỉ theo quy định. Đời sống của người lao động không ngừng được cải thiện, thu nhập năm sau cao hơn năm trước. Năm 2018, thu nhập bình quân của một người lao động đạt hơn 7 triệu đồng/tháng, tăng gấp đôi so với trước năm 2013.
Ông Trần Văn Thăng, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, người đã gắn bó với Công ty CP Gốm Chu Đậu từ những ngày đầu cho biết: "Anh Thức luôn có những chỉ đạo sát với từng thời điểm, tìm ra phương pháp sản xuất mới để giảm thiểu sức lao động và tăng năng suất. Đặc biệt, anh Thức là một lãnh đạo giản dị, sống chan hòa với mọi người, luôn gần gũi, quan tâm tới đời sống của người lao động".
Liên tục cải tiến
Trong suốt hành trình khôi phục, xây dựng và phát triển thương hiệu gốm Chu Đậu, anh Thức luôn lấy lời căn dặn của Bác với doanh nghiệp làm kim chỉ nam. Bác từng nhắc các doanh nhân, doanh nghiệp phải phát huy sáng kiến và cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất. Bác phê phán bệnh hội họp quá nhiều và xu hướng chạy theo số lượng trong sản xuất, ít chú trọng chất lượng. Bác dặn người sản xuất phải thực thà, sản xuất hàng hóa tốt cho đồng bào dùng, không nên trưng bày hàng tốt mà bán hàng xấu. Bác thường xuyên nhắc nhở phải nhìn ra nước ngoài để học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến trong quản lý sản xuất...
Lời dạy của Bác được doanh nhân Nguyễn Hữu Thức hiện thực hóa bằng các đường lối, chiến lược kinh doanh cụ thể. Anh chỉ đạo sắp xếp lại nhân sự cho phù hợp với từng bộ phận, cơ cấu lại sản xuất. Để tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa và uy tín với khách hàng. Những năm gần đây, Công ty CP Gốm Chu Đậu đã cải tiến công nghệ, đặc biệt là khâu nguyên liệu, tạo hình và nung đốt, đem lại hiệu quả cao. Nhờ công nghệ này, năng suất lao động tăng từ 1,5 đến 2 lần. Tỷ lệ thu hồi sản phẩm loại 1 đạt cao, bình quân là 90%.
Ngoài sản xuất các sản phẩm truyền thống, có giá trị văn hóa như cặp bình hoa lam - tỳ bà, phượng hoàng, phú quý, thiên nga... anh Thức còn chỉ đạo bộ phận thiết kế nghiên cứu ra nhiều sản phẩm mới. Năm 2018, công ty đã thiết kế ra nhiều mẫu bình mới như: Bình bảo liên, Bình ánh dương... để đáp ứng nhu cầu thị trường. Các mẫu sản phẩm này hiện đã được Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội lựa chọn, sử dụng làm quà tặng đối ngoại của các nguyên thủ quốc gia.
Để bắt kịp với xu thế kinh doanh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, năm 2018, Giám đốc Công ty CP Gốm Chu Đậu đã cho thành lập phòng marketing và thương mại điện tử, đồng thời thành lập tổ nghệ nhân chuyên làm sản phẩm cao cấp. Những năm qua, anh Thức luôn chú trọng đầu tư phát triển hệ thống mạng lưới, điểm kinh doanh bán hàng, tham gia các hội chợ trong, ngoài nước để quảng bá thương hiệu và phát triển thị trường cho các sản phẩm gốm Chu Đậu.
Ông Lê Quang Thụ, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết: "Là người con quê hương Nam Sách, anh Thức đã tiếp nối các thế hệ lãnh đạo đi trước, có công lớn góp phần phục hồi và phát triển thương hiệu gốm Chu Đậu. Ngày nay, mỗi khi nhắc đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, ai cũng biết đến sản phẩm gốm Chu Đậu ở Nam Sách. Bên cạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh, Công ty CP Gốm Chu Đậu và cá nhân anh Thức thường xuyên quan tâm, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương".
(Báo Hải Dương)