Giải mã gốm Chu Đậu | CÔNG TY CỔ PHẦN GỐM CHU ĐẬU
0

Giải mã gốm Chu Đậu

Đăng bởi Nguyễn Đức Thinh vào lúc 23/03/2020

Giải mã gốm Chu Đậu

 

Trong quốc sử hầu như không thấy ghi về gốm Chu Đậu, trong khi đó rải rác ở hơn 40 bảo tàng trên thế giới vẫn có trưng bày dòng sản phẩm gốm cao cấp, nhiều khả năng là của Việt Nam. Các học giả trong nước người thì bảo ở Bắc Giang, người thì bảo ở Thanh Hóa, người lại cho rằng ở Thái Bình. Còn các học giả Trung Quốc lại cũng bảo dòng gốm đó của họ.

Từ phán đoán khảo cổ học, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành đã cùng với các nhà sử học tâm huyết giải mã dòng gốm Chu Đậu, khẳng định những bình gốm hoa lam nổi tiếng có mặt tại các bảo tàng trên thế giới được làm ở Hải Dương, Việt Nam…

Gốm Chu Đậu “đội đất” chui lên…

   Ngay từ khi còn là cán bộ của Bảo tàng tỉnh Hải Dương (Hải Hưng cũ), ông Tăng Bá Hoành đã cùng với các nhà nghiên cứu lập dự án nghiên cứu nghề cổ truyền, đi tìm gốc gác các ngành nghề ở đây. Trong quá trình nghiên cứu, đã phát hiện hàng chục bình gốm cổ có đề “Thanh Lâm huyện, Hùng Thắng xã, nghệ nhân Đặng Huyền Thông tạo”; hoặc “Nghệ nhân Đặng Huyền Thông cùng vợ Nguyễn Thị Đỉnh tạo”.

Sau ba thế kỷ thất truyền, dòng gốm Chu Đậu lại hồi sinh

   Với những hiện vật thu được, các nhà nghiên cứu phán đoán có một dòng gốm tồn tại ở đâu đây nhưng không rõ chính xác nơi sản xuất những đồ gốm này. Những người làm công tác khai quật đã “bới tung” cả làng Hùng Thắng, Nam Sách và các lò gốm cổ quanh vùng nhưng đều vô vọng. Trong khi đó, một cán bộ Bảo tàng khi tìm hiểu về làng nghề dệt chiếu Đậu ở Chu Đậu, Nam Sách, Hải Dương có tìm thấy được con kê gốm hình vành khăn. Sau khi xem hiện vật này, ông Tăng Bá Hoành quyết định làm một chuyến khảo sát Chu Đậu và phát hiện tại bờ ao những mảnh vỡ của đồ gốm, như vậy nhiều khả năng nơi đây đã từng sản xuất gốm.

   Đặc biệt, qua nhiều cuộc khai quật các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc bao nung có dính hiện vật. Đây chính là dấu vết chắc chắn về mặt khoa học khẳng định Chu Đậu là nơi đã từng có lò gốm. Với phát hiện quan trọng này, ông Tăng Bá Hoành đã cho tập trung lực lượng tiến hành khai quật tại nhiều điểm.

   Từ chỗ chỉ biết có một dòng gốm ở Hải Dương, các nhà khảo cổ học đã tìm ra được dòng gốm mang tên Chu Đậu. Những thông tin về dòng gốm Chu Đậu đã được thừa nhận lan ra nước ngoài, khiến hàng trăm đoàn khảo cổ đổ dồn về Hải Dương tìm hiểu. Tiến hành khai quật từ năm 1986 liên tục cho đến năm 1990 thì có một đoàn khảo cổ của úc tìm đến và xin phép bỏ tiền ra để các nhà khảo cổ Việt Nam khai quật, họ chỉ thực hiện cùng với mục đích nghiên cứu…

   Sau gần hai chục năm, với 7 lần khai quật, thì những bằng chứng về một dòng gốm nổi tiếng thế giới có xuất xứ từ Việt Nam ngày càng được khẳng định. Đến năm 1999, khi con tàu đắm ở Cù Lao Chàm được trục vớt đã thu vớt hơn 20 vạn sản phẩm có xuất xứ từ Chu Đậu, đã thêm một lần khẳng định chắc chắn gốm Chu Đậu có ở Việt Nam. Và đến năm 2001, thì nhiều doanh nghiệp đã đứng ra lập dự án khôi phục gốm Chu Đậu.

   Từ đây dòng gốm Chu Đậu hồi sinh và đưa sản phẩm đi khắp thế giới. Như vậy là sau 3 thế kỷ nằm im lìm dưới lòng đất, gốm Chu Đậu đã “đội đất” chui lên khẳng định một dòng gốm tuyệt tác của Việt Nam. Cố Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng đã nói với ông Tăng Bá Hoành: “Đời ông chỉ cần làm được một phát hiện như vậy, không cần đến cái thứ hai…”

Chiếc bình cổ và bức thư của ngài Đại sứ Nhật Bản

   Trước khi phát hiện dòng gốm Chu Đậu ở Việt Nam, tại hơn 40 bảo tàng trên thế giới đã trưng bày đồ gốm này, nhưng không đề rõ xuất xứ cụ thể. Năm 1980, ông Makoto Anabuki – nguyên là Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam nhân một lần sang công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ đã được xem một chiếc bình gốm hoa lam tuyệt đẹp tại Bảo tàng Topkapi Saray Istambul. Trên chiếc bình có đề: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, Bùi Thị Hý bút”.

   Ông Đại sứ rất am hiểu và mê đồ gốm này đã gửi thư cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng đề nghị cho gặp nhà khảo cổ để tìm hiểu về những dòng chữ đề trên chiếc bình gốm. Lá thư của ông Đại sứ khiến các nhà khảo cổ Việt Nam đang trong lúc nóng lòng đi tìm dòng gốm vốn được đánh giá là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp với danh tiếng lưu truyền là “mỏng như giấy, trong như ngọc, kêu như chuông”, lại càng thôi thúc phải tìm bằng được những cứ liệu xác thực chứng minh Việt Nam là ông tổ của dòng gốm này.

   Dòng gốm đã được khẳng định, song với những lời đề trên chiếc bình gốm thì các học giả Việt Nam lại đưa ra nhiều quan điểm khác nhau. Về niên đại thì đều có chung khẳng định là năm “Thái Hòa thứ tám” (1450), địa danh là “Châu Nam Sách”, tuy nhiên chữ “Bùi Thị Hý bút” thì vẫn còn tranh cãi khi dịch là “ông họ Bùi vẽ chơi” hay bà “Bùi Thị Hý vẽ” bởi nhiều người cho rằng phụ nữ không thể làm được chiếc bình đẹp như thế.

   Riêng ông Tăng Bá Hoành vẫn kiên trì theo quan điểm cho rằng chiếc bình đó là của bà Bùi Thị Hý vì ông cũng đã tìm được một số bằng chứng chứng minh rằng, trước đây  phụ nữ có tên trên gốm, nên không loại trừ có bà Bùi Thị Hý làm gốm. Dẫu vậy,  cũng  chưa biết bà Bùi Thị Hý là người như thế nào  và có liên quan gì với ông Đặng Huyền Thông – nghệ nhân đã được tìm thấy trên những chiếc bình gốm ở Chu Đậu hay không?

Cuốn gia phả họ Bùi và người đàn bà giả trai

   Sau những tranh luận về lời đề trên chiếc bình gốm trưng bày tại Thụy Sĩ, năm 2006, ông Tăng Bá Hoành đã công bố quá trình nghiên cứu của mình trên báo chí. Ngay sau đó, một người tìm đến nhà ông nhờ đọc gia phả xem bà tổ dòng họ có phải là Bùi Thị Hý không. Ông Hoành đọc 1 trang và thấy đúng, sau đó gia đình về tìm được thêm 6 trang nữa, càng thêm khẳng định có bà Bùi Thị Hý làm gốm.

   Tuy nhiên bản gia phả mà gia đình kia cung cấp là bản sao từ năm 1932. Sau khi tìm hiểu thêm, thì được biết gia đình có 1 bản gia phả viết năm 1832 ghi rất rõ bà Bùi Thị Hý là người đã giả trai thi tam trường sau bị phát hiện nên bị đuổi về.  Theo gia phả thì bà Bùi Thị Hý lấy chồng là ông Đặng Sĩ – đại gia của gốm Chu Đậu – một người xuất sắc của lò gốm chuyên làm gốm cho triều đình và để xuất khẩu.

 Tiếp tục  xem đến họ hàng của bà Bùi Thị Hý thì thấy, ông nội của bà Bùi Thị Hý có tham gia khởi nghĩa Lam Sơn cùng với Nguyễn Trãi, bố là Bùi Đình Nghĩa hy sinh ở thành Đông Quan. Trong gia phả còn nói bà là người nổi tiếng làm gốm Chu Đậu, năm 1452 bà có xây lò gốm tại quê để làm gốm và xuất khẩu. Ngay sau đó, một cuộc hội thảo đã được tổ chức ngay ở quê bà đồng thời lên kế hoạch tìm kiếm mộ chí vì các nhà nghiên cứu phán đoán rằng một con người vĩ đại như bà thì dứt khoát phải có mộ chí.

   Tiếp tục tìm kiếm, nghiên cứu, 6 tháng sau, ông Hoành lại tìm được một chiếc mâm đồng có đục toàn bộ sơ đồ mộ chí (chép nguyên bia mộ chí, đục vào mâm đồng để lưu trữ vì lo rằng bia mộ bị phá hủy, gồm 379 chữ rất hoàn chỉnh). Theo bia mộ chí thì bà Bùi Thị Hý  sinh năm 1420, mất 1499, em là Bùi Đình Khởi, chồng là Đặng Sĩ (người chồng thứ nhất của bà đã chết trên đường đi xuất khẩu đồ gốm trên Biển đông cùng với thủy thủ đoàn).

   Sau đó bà lấy tiếp người chồng thứ hai là Đặng Phúc cũng là một ông chủ lớn của dòng gốm Chu Đậu. Lúc đó bà Hý còn thay chồng đi xuất khẩu gốm trên thế giới, điều này đã giải thích được rằng vì sao gốm Chu Đậu đã có mặt tại khắp thế giới. Ngoài ra, ông Tăng Bá Hoành còn tìm thấy một bia mộ có ghi chữ: “Kỳ tài phu nhân Bùi Thị Hý chi mộ”. Chứng tỏ trong lịch sử có bà Bùi Thị Hý, là một người tài và có làm gốm.

   Như vậy, hơn 20 năm kể từ lần đầu tiên khai quật tìm kiếm nguồn gốc gốm Chu Đậu, ông Tăng Bá Hoành đã tìm được tài liệu tương đối hoàn chỉnh về bà Bùi Thị Hý. Hiện mộ chí của bà đã được xác định, chỉ còn việc khai quật mộ chí để chính thức khẳng định một cách khoa học về con người kỳ tài này nhưng ông Hoành giờ đã về nghỉ hưu và cũng không có kinh phí để tự mình làm việc này, nên câu chuyện vẫn dừng lại ở đây.

Hotline: 0969655095
popup

Số lượng:

Tổng tiền:

CÔNG TY CỔ PHẦN GỐM CHU ĐẬU
ĐĂNG NHẬP
Nhận nhiều ưu đãi hơn