Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI trao cúp và hoa cho hậu duệ họ Bùi (gốc Phí) của bà Bùi Thị Hý.
Hậu duệ của khai quốc công thần
Căn cứ vào gia phả của dòng họ Bùi gốc họ Phí ở trang Quang Ánh xưa và cuốn sách cổ “Tích cổ địa linh Quang Ánh trang” và nhiều tài liệu khác của dòng họ, đặc biệt là tấm bia đá cổ tạc thời Hồng Đức thứ 9 (1478) đời vua Lê Thánh Tông, doanh nhân Bùi Thị (1420 – 1499), sinh ra ở làng Quang Tiền xã Đồng Quang huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương, thời Lê sơ (đầu thế kỷ 15) gọi là Trang Quang Ánh – một làng nằm bên bờ sông, buôn bán tấp lập.
Bà là con gái đầu của quan Mã Vũ tướng quân Bùi Quốc (Đình) Nghĩa, là cháu gái gọi Bùi Quốc Hưng là ông nội, gọi Bùi Thị Ngọc Liễu, Bùi Bị, Bùi Thu là bác ruột; gọi Đinh Lễ là bác rể. Bùi Quốc Hưng, Bùi Bị, Đinh Lễ đều là khai quốc công thần nhà Lê trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh.
Bốn năm sau ngày chiến thắng quân Minh, năm 1432, lão tướng Bùi Quốc Hưng đã về dựng “Giáo tự đường” là trường dạy chữ và dạy nghề cho hai cháu nội là Bùi Thị Hý 12 tuổi và em là Bùi Đình Khởi tại “Bùi gia trang”.
“Bùi gia trang” do chính lão tướng Bùi Quốc Hưng lập vào năm 1394 khi đang làm quan dưới trướng của Tể tướng Hồ Quý Ly cuối thời nhà Trần. Ông cho xây dựng tại đây trang ấp, tuyển người làm ruộng, làm lò gốm, rèn vũ khí, huấn luyện quân sĩ để khi giặc đến là có quân lương tham gia đánh giặc được ngay. Từ đó đã có 15 trang (làng) chuyên sản xuất đồ gốm sứ mọc lên dọc sông Định Đào, sông Thái Bình ở Hải Dương.
Ngay từ thuở nhỏ, doanh nhân Bùi Thị Hý đã là người ham học, ham hiểu biết. Bà không chỉ thông kinh sử, giỏi thơ phú, giỏi vẽ mà còn là người thích võ và trượng nghĩa.
Chuyện xưa kể lại trong một lần thi vẽ có ra đề quy định, khi ba tiếng trống dứt, ai vẽ xong trước và đẹp nhất ba con chim thì sẽ được thưởng một con trâu. Kỳ thi này, bà đã giành giải nhất.
Nhiều thông tin cũng truyền lại, bà cũng như nữ tiến sĩ Bùi Thị Duệ từng giả trai đi thi khoa bảng. Tuy nhiên, khi thi đến tam trường thì bà bị phát hiện thân phận, nhờ là cháu danh tướng Bùi Quốc Hưng nên không bị phạt nặng nhưng phải về quê.
Kỳ tài phu nhân
Trong tâm trạng buồn, học giỏi mà không được thi, bà giao du với sĩ tử ở nhiều nơi và một lần dùng thuyền lớn đi chơi hội đền Kiếp Bạc đã gặp ông Đặng Sĩ là một đại gia ở làng Chu Đậu - làng chuyên làm chiếu.
Gặp nhau, cả hai cùng nhau trao đổi thơ phú, truyện trò không muốn dứt. Sau cuộc gặp gỡ đó không lâu, bà Bùi Thị Hý đã kết duyên cùng với đại gia Đặng Sĩ.
Sau khi lấy chồng, bà theo chồng về quê ở trang Chu, cùng chồng dựng lò làm nghề chế tác đồ sứ bán cho các thương nhân trong và ngoài nước. Trong một lần làm ra chiếc bình gốm hoa lam, bà đã phóng bút viết vào sản phẩm “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút”. Sản phẩm đó lưu lạc đến tận Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1452, bà cùng chồng trở về quê mình ở trang Quang Ánh, cùng em là Bùi Khởi làm sành sứ để bán hàng cho các thương nhân và cung tiến cho triều đình. Ở Quang Ánh, bà đã tạo ra nhiều sản phẩm tuyệt đẹp, một lần nữa bà lại khắc “Bùi Thị Hý tạo” trên một con Nghê, hiện vật quan trọng này hiện nay đang được dòng họ Bùi gốc Phí ở Quang Ánh, Quang Tiền, Gia Lộc, Hải Dương giữ.
Thấy việc buôn bán với nước ngoài thu được nhiều tiền hơn, ông bà đã mang hàng đi nhiều nước để giao thương. Trong một chuyến đi, đoàn thuyền của ông Đặng Sĩ và các gia nô gặp bão, thuyền bị bão đánh tan tành, ông Đặng Sĩ và gia nô đều chết trên Biển Đông.
Trong suốt ba năm chịu tang, nỗi đau mất chồng vẫn không làm tan được ước mơ sáng tạo và để quên đi nỗi đau đó, bà lao vào truyền nghề và làm ra nhiều sản phẩm mới với sức sáng tạo không ngờ.
Bát cổ khai thác tại Gò Lò, nơi ở của bà Bùi Thị Hý (Trang Quang Ánh, Gia Lộc, Hải Dương).
Trong lúc đau khổ đó, có một người đàn ông họ Đặng khác ở ngay trang Chu hiểu, khâm phục nghị lực phi thường của bà, đã đem lòng yêu quý bà, mặc dù biết bà đã gần 40 tuổi. Sau nhiều ngày suy nghĩ, thắp hương khấn vái xin tổ tiên và chồng là Đặng Sĩ cho mình được tái giá, bà đã chấp nhận lời cầu hôn của ông Đặng Phúc.
Từ đó bà và ông Đặng Phúc lại tuyển người, làm ra nhiều hàng sứ mới. Không dừng ở sản xuất, ông bà học Đặng Sĩ, sắm thuyền, vượt biển, mang hàng sứ do tay mình làm ra đi bán ở các nước. Trong tài liệu gia phả của dòng họ Bùi có viết về bà như sau: “Tam phiên vi chủ thương đoàn cập quốc ngoại hoán giao, đặc phẩm”, nghĩa là ba lần bà đi đến các nước để bán những sản phẩm đặc sắc do tay bà làm ra.
Nhiều thông tin cho biết thêm, bà Hý biết tiếng Trung, Nhật và phương Tây, còn kết bạn với cháu gái nhà hàng hải nổi tiếng thế kỷ XV của Trung Quốc là Trịnh Hòa.
Doanh nhân, nghệ nhân Bùi Thị Hý trở thành người có đầu óc sáng tạo vẽ kỹ thuật, mỹ thuật kỳ tài bậc nhất của gốm Chu Đậu. Bàn tay tài hoa của bà cùng các nghệ nhân đã tạo cho dòng gốm Chu Đậu đạt tới trình độ tuyệt mỹ: Đẹp về dáng, sáng về men, hoa văn trang trí tinh xảo; đạt được bốn tiêu chuẩn mà gốm ở nhiều nơi không đạt được (mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông); thể hiện rõ tinh thần từ bi, bác ái của đạo Phật trong tâm hồn và phong cách con người Việt Nam.
Bà qua đời ở tuổi 79. Thương nhớ vợ, trong văn bia của ông Đặng Phúc soạn năm 1502, ông đã viết những dòng chữ đầy tự hào về người vợ tài hoa của mình: “Phu nhân kỳ tài đệ nhất chế đặc phẩm sành sứ Chu Trang”.
Để lại cho đời "một chương di sản nghệ thuật"
Trước nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan đến bà Bùi Thị Hý, trong đó có quan điểm cho rằng những tư liệu về bà Hý mang tính hư cấu, các nhà nghiên cứu văn hóa đã dày công tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của bà tổ nghề gốm Chu Đậu Bùi Thị Hý thông qua tài liệu của dòng họ Bùi như gia phả cổ, văn bia chạm khắc trên chiếc mâm đồng, văn bia đá chùa làng, những di chỉ khi tìm thấy mộ bà vào năm 2009 cùng những câu chuyện kể, những giai thoại còn truyền lại.
Sự kiện tại biển Cù lao Chàm - Quảng Nam, ngư dân ở đây tìm được nhiều đồ gốm là cổ vật quý đã thu hút giới khảo cổ trong nước và quốc tế tiến hành tìm kiếm trong nhiều năm. Xác của 5 con tàu đắm được phát hiện, với khoảng 400.000 đồ sứ còn nguyên vẹn, và nhiều tấn đồ sứ bị vỡ, tương đương với hàng trăm ngàn sản phẩm nữa. Điều hết sức thú vị là, kiểu dáng và họa tiết trên các đồ gốm vớt được hoàn toàn giống đồ gốm tìm thấy ở Chu Đậu - Hải Dương có niên đại thế kỷ XV, thời kỳ mà bà Bùi Thị Hý mang truyền thống làm gốm từ thời ông nội Bùi Quốc Hưng khởi dựng từ cuối thế kỷ 14 sang Chu Đậu cùng hai người chồng là Đặng Sĩ và Đặng Phúc.
Danh tiếng của doanh nhân Bùi Thị Hý càng được khẳng định sau khi ông Makoto Anabuki, Bí thư Văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản gửi cho Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) nhờ tìm xuất xứ một chiếc bình gốm. Theo thư của ông Makoto, năm 1980, khi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông được chiêm ngưỡng một bình gốm được coi là quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul. Chiếc bình được mua bảo hiểm 1 triệu USD. Trên lớp tráng xanh da trời và trắng của bình gốm tinh xảo đó có khắc 13 chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (Dịch là: Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý viết/vẽ/tạo).
Ngày 18 tháng 04 năm 2007, hậu duệ họ Bùi đã tìm được con nghê bằng đất nung tại khu làm gốm cổ. Phía đuôi con nghê trước khi nung được viết 2 dòng chữ Hán: "Quang Thuận nhất niên, Quang Ánh trang, Bùi Thị Hý tạo", có nghĩa là Tác phẩm cho Bùi Thị Hý tạo, tại trang Quang Ánh, vào năm Quang Thuận thứ nhất (1460). Di vật này có giá trị khẳng định tác giả bình gốm ở Thổ Nhĩ Kỳ và điều hiếm hoi bậc nhất đã được khám phá: Nghệ nhân tài hoa đó chính là một phụ nữ Việt sống ở thế kỷ XV - Bùi Thị Hý.
Nghê sứ v có dòng chữ Bùi Thị Hý tạo được khai quật tại Gò Lò nơi ở của bà Bùi Thị Hý tại trang Quang Ánh.
Giám đốc ngành Nghệ thuật Á Châu của Nhà bán đấu giá Butterfields tại San Francisco, bà Dessa Goddard vào năm 2000 đã phải thốt lên: "Phát hiện này đang trả lại cho Việt Nam một chương của di sản nghệ thuật mà người ta từng nghĩ là đã hoàn toàn biến mất”.
Năm 2012, tại miếu thờ Vua Lê và Thành hoàng làng Quang Tiền, xã Đồng Quang, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, Hiệp hội làng nghề Việt Nam kết hợp với Hội Sử học Hải Dương và các cơ quan tổ chức vinh danh và phong tặng danh hiệu Tổ nghề cho bà Bùi Thị Hý.
Gần đây nhất, tháng 11/2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức lễ trao tặng danh hiệu “Nữ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2016” cúp Bông Hồng Vàng cho 100 nữ Doanh nhân tiêu biểu của cả nước, trong đó, truy tặng cúp Bông Hồng Vàng cho doanh nhân Bùi Thị Hý.
Câu chuyện về bà Bùi Thị Hý không có con, cuối đời dành toàn bộ gia sản cho việc từ thiện, làm công đức như xây chùa cổ Viên Quang, xây đình, xây nhà thờ họ, cầu đá tại quê nhà thêm một lần nữa cho chúng ta thấy bà Bùi Thị Hý không chỉ là nữ doanh nhân đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà còn điển hình cho sự hội tụ đầy đủ tài, đức vẹn toàn - một kỳ tài để lịch sử mãi ngợi ca.